Đóng cửa tuần qua, VN-Index ở 1.020,34 điểm, giảm 3,05% so với cuối tuần trước đó. Lũy kế từ đầu năm nay, chỉ số này giảm 31,9%. VN30-Index cũng mất 2,81% trong tuần, dừng ở 1.034,13 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index tụt lần lượt 3,61% và 1,63% so với mức đóng cửa cuối tuần trước đó.
Khác với tuần trước, thanh khoản trên hai sàn chứng khoán trong tuần này đã đều đồng loạt giảm mạnh. Trên sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên giảm 5,53% so với tuần giao dịch trước, đạt hơn 693 triệu cp/phiên. Còn ở HNX, thanh khoản trung bình giảm 13,56%, đạt hơn 81 triệu cp/phiên.
Xét về ảnh hưởng của các cổ phiếu đến chỉ số, gây thất vọng nhất trong tuần qua chính là VIC khi cổ phiếu này kéo giảm gần 3,1 điểm.
Xếp sau VIC về mức ảnh hưởng tiêu cực trong tuần qua lần lượt là “ông lớn” ngành thép HPG và “ông lớn” ngành khí GAS. Hai cổ phiếu này đã lấy đi tổng cộng gần 5,2 điểm của chỉ số.
GAS biểu hiện tiêu cực dù nhiều thông tin tích cực của doanh nghiệp được công bố trong tuần. Cụ thể, ngày 22/12 vừa qua, GAS vừa tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2022.
Tại đây, Công ty cho biết năm 2022 là năm có doanh thu cao nhất kể từ khi thành lập với tổng doanh thu đạt trên 100 ngàn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021 (vượt 25% kế hoạch). Lợi nhuận trước thuế tăng 49%, đạt trên 16,6 nghìn tỷ đồng (vượt 89% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế tăng 51%, đạt trên 13,3 nghìn tỷ đồng (vượt 89% kế hoạch).
Còn ở phía HPG, trong tuần qua, HPG vừa ký kết hợp đồng xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu. Đây là đơn hàng thép dài (long products) đầu tiên xuất sang khu vực này, mở ra thị trường mới và nhiều tiềm năng cho sản phẩm thép Hòa Phát. Thời gian giao hàng dự kiến trong tháng 2/2023.
Trở lại sàn HOSE, bên cạnh GAS và HPG, cổ phiếu của một số doanh nghiệp đầu ngành khác cũng có tác động không mấy tích cực đến chỉ số trong tuần qua.
Cụ thể, NVL của ngành bất động sản đã kéo giảm hơn 1,4 điểm; GVR của ngành cao su (giảm 1,8 điểm); TCB và MBB của ngành ngân hàng lần lượt kéo giảm 1,3 và 1,1 điểm; SSI của nhóm chứng khoán và HVN của ngành hàng không cũng kéo giảm khoảng 0,8 điểm.
Trong khi đó ở chiều kéo tăng, VHM và MSN đóng vai trò trụ cột cho thị trường, tuy nhiên mức kéo tăng chỉ ở mức xấp xỉ 0,6 điểm.
Rổ VN30 trong tuần qua ghi nhận sự áp đảo của sắc đổ khi có đến 23 cổ phiếu kéo giảm chỉ số, trong khi chỉ có 7 cổ phiếu kéo tăng. Dẫn đầu nhóm kéo giảm là HPG với gần 6,7 điểm, gần gấp đôi so với TCB xếp ngay sau với hơn 3,5 điểm. Ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo tăng là 2 cổ phiếu STB và MSN với số điểm lần lượt gần 1,5 điểm và hơn 1 điểm.
Đối với HNX-Index, chỉ số giảm điểm mạnh trong tuần qua chủ yếu do 2 cổ phiếu là CEO và IDC khi cùng kéo giảm khoảng 0,85 điểm. Còn ở phía ngược lại, trụ đỡ lớn nhất của chỉ số là PTI với gần 0,9 điểm.
Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), thị trường đã khép lại một tuần giảm mạnh (-3,05%) kể từ khi tạo đỉnh ngắn hạn ở khu vực 1.100 điểm, đây cũng là tuần giảm thứ 2 trong 3 tuần gần đây. Thanh khoản sụt qua từng phiên và khối ngoại chững đà mua ròng là nguyên nhân chính khiến thị trường chủ yếu đi ngang ở biên dưới vùng tích lũy trong tuần vừa qua. Về kỹ thuật, thị trường đang được hỗ trợ ở vùng 1.010 điểm, nơi có mặt của đường MA50. Trong bối cảnh thanh khoản co hẹp, dòng tiền liên tục “chuyền cành” giữa các nhóm cổ phiếu: từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất điện, dầu khí, …
Tuần sau là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, hoạt động chốt NAV của các quỹ đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường. MBS cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp với xu hướng đi ngang ở chỉ số, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu thấp.
Anh Khôi