Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tích cực trong năm 2021, các chỉ số chứng khoán liên tục lập kỷ lục đi kèm với thanh khoản bùng nổ.
Kết phiên giao dịch ngày 15/12, VN-Index đứng ở mức 1.475,5 điểm - tăng 33,7% so với cuối năm ngoái và lập đỉnh lịch sử hôm 25/11 với 1.500,81 điểm. HNX-Index cũng tăng 123,4% lên 453,71 điểm (đỉnh lịch sử là 468,73 điểm ở phiên 18/11). Tương tự, UpCOM-Index cũng tăng 50,1% lên 111,72 điểm.
Thanh khoản của thị trường tăng mạnh so với năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.172 tỷ đồng/phiên, tăng 254% so với năm ngoái. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 293% và đạt 24.116 tỷ đồng/phiên.
Ở thời điểm hiện tại, một số công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược thị trường với những phân tích cũng như dự báo biến động của VN-Index trong cả năm 2022.
Đưa ra quan điểm tích cực về biến động thị trường trong năm 2022, Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng, thanh khoản mạnh có thể duy trì ít nhất đến 6 tháng đầu năm 2022 và cũng có thể là trong nửa cuối năm 2022 nhờ dòng tiền khối ngoại quay lại. MBKE đánh giá điều kiện để dòng vốn ngoại quay lại là Chính phủ có thể kiềm chế lạm phát để đảm bảo triển vọng tăng trưởng ổn định của Việt Nam sau năm 2022.
Đi cùng thanh khoản là sự phục hồi kinh tế đáng chú ý được củng cố nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng EPS 22% vào năm 2022. MBKE kỳ vọng VN-Index có thể tiến xa hơn lên gần 1.800 điểm, dựa trên P/E 17 lần năm 2022.
Còn với biến động của thị trường ở đầu tháng 12, MBKE đánh giá việc chốt lời và những bất ổn do sự xuất hiện của biến thể Omicron đã tạo ra một số áp lực trong trung hạn cho VN-Index để duy trì ở mức cao này.
Tuy nhiên, MBKE quan sát thấy thanh khoản trên thị trường (đáng chú ý với nhà đầu tư cá nhân trong nước) vẫn rất mạnh, có thể sẵn sàng mua vào.
Do đó, MBKE đã kỳ vọng thị trường chứng kiến một sự điều chỉnh nhẹ ở nửa đầu tháng 12 và cũng là thời gian chờ đợi kết luận một cách chắc chắn từ các chuyên gia về mức độ liên quan của biến thể COVID-19 mới sẽ như thế nào. MBKE tin rằng sự điều chỉnh này cho thấy thời gian để nhà đầu tư tích lũy vị thế đối với những cổ phiếu khả quan cho năm 2022.
Chứng khoán VNDirect cũng có quan điểm tương đối tích cực về thị trường ở năm sau. VNDirect kỳ vọng thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tăng 10 - 15% vào năm 2022. CTCK này tin tưởng rằng nhờ mức độ số hóa ngày càng tăng, thị trường chứng khoán sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân, trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ ở mức 3,5% dân số, tương đối thấp trong nhóm ASEAN 6.
Theo VNDirect, tại thời điểm ngày 6/12, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Công ty này cho rằng, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức là 13,4 lần và 11,5 lần (thấp hơn P/E trung bình 3 năm gần nhất là 16,1 lần). So với các nước trong khu vực, P/E dự phóng của Việt Nam đang rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều là thị trường mới nổi.
Dự báo của các công ty chứng khoán
VNDirect kỳ vọng VN-Index đạt 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định gồm kỳ vọng P/E của VN-Index vào khoảng 16,0 - 16,5 lần vào cuối năm 2022.
Bên cạnh đó là kỳ vọng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HOSE sẽ tăng trưởng 23% và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1,4%.
Trong khi đó, theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) trong năm 2021, VN-Index giao dịch trong vùng P/E từ 15,3 tới 19,1 lần, tương ứng trong vùng P/E trung bình 10 năm đến cận mức trung bình cộng 2 độ lệch chuẩn.
Kết thúc tháng 11, VN-Index giao dịch ở mức P/E 17,5 lần, trên mức trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn. Mức định giá hiện tại thấp hơn P/E đỉnh lịch sử (thiết lập vào tháng 4/2018) khoảng 25,5%.
Dựa trên dữ liệu thống kê mức P/E quá khứ, MASVN nhận thấy mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 15 đến 17 lần. Với mức dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E khoảng 16 lần, MASVN dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở - tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021.
4 nhóm cổ phiếu tiềm năng cho năm 2022
Với tầm nhìn đến năm 2022, VNDirect đưa ra 4 điểm nhấn đầu tư tiềm năng để nhà đầu tư tham khảo và lựa chọn cổ phiếu.
Đầu tiên là sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. VNDirect dự báo, tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022 sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại và Chính phủ thực hiện các giải pháp kích cầu nền kinh tế. Các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống, bán lẻ và hàng không sẽ là nhóm hưởng lợi chính.
Thứ hai là giá hàng hóa được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm tới do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, dầu khí và nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi chính từ diễn biến này.
Thứ ba, câu chuyện phát triển hạ tầng sẽ vẫn là tiêu điểm trong những năm tiếp theo. VNDirect tin rằng, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Bên cạnh cơ sở hạ tầng đường bộ, hàng không và khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ trở thành tiêu điểm đầu tư trong những năm tiếp theo.
Cuối cùng, VNDirect đánh giá ngân hàng là đại diện tiêu biểu phản ánh sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Giá cổ phiếu của các nhà băng đã chiết khấu 15% so với mức đỉnh. Sự điều chỉnh trên đã phần nào phản ánh những rủi ro giảm giá hiện hữu, điều này làm cho rủi ro và hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn ở thời điểm hiện tại.
3 luận điểm đầu tư cho quý I/2022
Nhận định riêng về quý I/2022, ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDirect đưa ra 3 luận điểm bao gồm:
- Sự thay đổi thói quen người tiêu dùng sau làn sóng dịch bệnh, điều này sẽ tác động tới những doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ, chứng khoán hay hạ tầng công nghiệp.
- Việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm giảm hàm lượng các-bon trong không khí, qua đó giảm những ngành tiêu tốn nguồn nguyên liệu lớn và tiết kiệm năng lượng nhiều hơn. Khả năng cao những ngành sản xuất truyền thống sẽ bị đẩy sang nước khác trong đó có Việt Nam - tiêu biểu là ngành thép. Điều này sẽ mở ra bức tranh tươi sáng hơn cho ngành thép của Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp xuất khẩu khác như phốt pho, xi măng,...
- Câu chuyện về xe điện - tuy nhiên đây là tầm nhìn dài hạn khi ông Tuấn đánh giá triển vọng của ngành này có thể kéo dài đến năm 2025. Hiện tại, các doanh nghiệp mới đang trong thời kỳ gây dựng nền tảng chế tạo xe và cần nhiều nguồn năng lượng điện. Theo đó, một số doanh nghiệp trong mảng thiết kế, xây dựng điện sẽ được hưởng lợi.
Doãn Kiên/NQS
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam