Cổ phiếu QBS trần 4 phiên dù có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc: Ngày 07/02, HOSE đã nhận BCTC quý 4/2021 của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (HOSE: QBS) và đã công bố ra thị trường. Theo đó, Công ty ghi nhận lỗ sau thuế năm 2021 số tiền hơn 20 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2021 gần 93 tỷ đồng. Bên cạnh đó, QBS cũng đã lỗ sau thuế 174 tỷ đồng và 98 tỷ đồng trong các năm 2019 và 2020. Theo đó, ngày 09/02/2022, HOSE vừa gửi văn bản đến QBS lưu ý về việc cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty là con số âm. Đáng chú ý dù đứng trước nguy cơ hủy niêm yết, cổ phiếu QBS đã tăng trần cả 4 phiên gần nhất (07-10/02/2022). Cổ phiếu QBS chốt phiên 10/02 ở giá 6.890 đồng/cp.
Thị giá giảm mạnh, quỹ ngoại không bán hết 5,5 triệu cp CII như đăng ký: Quỹ ngoại VIAC (No.1) Limited Partnership đến từ Singapore vừa bán xong 3,5 triệu cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh trong tổng số 5,5 triệu đơn vị đăng ký. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh từ ngày 10/1 đến ngày 8/2. Sau giao dịch, VIAC giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ gần 11,69 triệu đơn vị xuống còn 8,19 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 4,89% xuống còn 3,43%. Quỹ này cho biết nguyên nhân không hoàn tất số lượng cổ phiếu như đăng ký là do không đạt được mức giá mong muốn. Từ một cổ phiếu được nhà đầu tư săn đón, sự đổ vỡ của nhóm cổ phiếu đầu cơ khiến CII có nhiều phiên giảm sàn mất thanh khoản. Đóng cửa phiên 10/2, thị giá mã này dừng tại 28.450 đồng/cp, tức mất gần 50% giá trị kể từ vùng đỉnh.
Lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới giảm mạnh trong tháng 1/2022: Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 1/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 195.068 tài khoản chứng khoán, giảm 31.512 tài khoản so với thời điểm kỷ lục mở tài khoản trong tháng 12/2021. Con số này cũng giảm mạnh so với thời điểm tháng 11/2022 là 220.000 tài khoản. Tính đến thời điểm cuối tháng 1/2022, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 4,45 triệu tài khoản. Còn số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài là 35.676 tài khoản, tăng 4 tài khoản so với thời điểm cuối năm 2021. Trước đó, năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Vinachem lại chào bán cổ phiếu LAS với giá 27.100 đồng/cp: Ngày 09/02, HNX thông báo Vinachem sẽ chào bán lại 21,2 triệu cp LAS (18,9% vốn điều lệ) với giá như cũ (27.100 đồng/cp). Cuộc đấu giá mới dự kiến diễn ra ngày 04/03/2022. Trước đó, phiên đấu giá cổ phần của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu ngày 31/12/2021 đã không được tổ chức. Nguyên nhân là đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 24/12/2021) nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần. Cổ phiếu LAS từng leo lên vùng 27.000 đồng/cp vào cuối tháng 12/2021. Tuy nhiên sau đó, thị giá bất ngờ lao dốc mạnh đến hơn 50%. Chốt phiên 10/02/2022, LAS bất ngờ tăng trần lên mức 18.500 đồng/cp.
Vừa bán xong 48,1 triệu cổ phiếu HNG, HAGL đăng ký bán tiếp 25,4 triệu đơn vị: Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) thông báo đã bán xong 48,1 triệu cổ phiếu HNG của Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn, thời gian từ 17/1 đến 10/2. Theo công bố trước đó, đây là giao dịch ngân hàng bán cổ phiếu để thu hồi nợ. Cổ phiếu HNG trong khoảng thời gian từ 17/1 đến 10/2 giao dịch trong vùng giá 9.000-10.000 đồng/cp. Tạm tính theo giá này, HAGL thu về khoảng 450 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp đăng ký bán tiếp 25,4 triệu cổ phiếu HNG từ 15/2 đến 16/3. Mục đích bán là ngân hàng bán thu nợ. Nếu giao dịch thành công, HAGL sẽ giảm sở hữu HAGL Agrico xuống 104,7 triệu đơn vị.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 737 tỷ đồng ở sàn HoSE phiên 10/2, tập trung 'xả' VIC: Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi mua vào 62,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.435 tỷ đồng, trong khi bán ra 75,3 triệu cổ phiếu, trị giá 3.141 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 12,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 706 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 737 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 13,4 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE đẩy mạnh bán ròng mã VIC với giá trị 452 tỷ đồng. Như vậy, VIC bị bán ròng trong 10 phiên liên tiếp với tổng giá trị 1.969 tỷ đồng.
Tân An
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam