VN-Index mất mốc 1.250 điểm tuần qua: Bước vào tuần 05 - 09/09, thị trường chứng tiếp tục giao dịch giằng co trong hai phiên đầu tuần với những cây nến nhỏ có bóng nến dài. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng ở mức thấp cho thấy sự thận trong nhất định của nhà đầu tư. VN-Index sụt giảm mạnh ở hai phiên tiếp theo với lực bán áp đảo tên thị trường. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.248,78 điểm, tương ứng giảm 28,57 điểm (-2,48%) so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 8,19 điểm (-2,5%) xuống 284,63 điểm, UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-1,95%) xuống 90,64 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE tăng nhẹ 0,59% so với tuần giao dịch trước - đạt hơn 580 triệu cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, thanh khoản bình quân trên HNX giảm mạnh 12,41% còn 76 triệu đơn vị/phiên. Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí gây sức ép mạnh: Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là cản chính khi có đến 6 cổ phiếu thuộc nhóm này góp mặt trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index gồm 3 ngân hàng quốc doanh là VCB, BID, CTG cùng 3 ngân hàng khác là VPB, MBB, TCB.
Thêm một tuần bán ròng của khối ngoại, "xả mạnh" cổ phiếu NVL: Giao dịch của khối ngoại đi theo chiều hướng tiêu cực và phần nào ảnh hưởng đến biến động của thị trường chung. Cụ thể, dòng vốn này trong tuần từ 5-9/9 thực hiện mua vào 99 triệu cổ phiếu, trị giá 3.536 tỷ đồng, trong khi bán ra 129 triệu cổ phiếu, trị giá 4.423 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức gần 30 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 887 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HOSE bán ròng mạnh nhất mã NVL với giá trị 238 tỷ đồng. STB và SSI đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VNM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 187 tỷ đồng. HPG và PVD đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 141 tỷ đồng và 126 tỷ đồng.
HAG vào danh mục MVIS Vietnam Index, APH và CEO bị loại: Vừa qua, MV Index Solutions (MVIS) đã công bố kết quả cơ cấu danh mục quý III của chỉ số MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF). Ở kỳ cơ cấu này có đến một cổ phiếu Việt Nam được thêm vào danh mục của chỉ số MVIS Vietnam Index là HAG của HAGL (HoSE: HAG). Trong khi đó, hai cổ phiếu APH của Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) và CEO của Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) bị loại khỏi danh mục của MVIS Vietnam Index. Như vậy, tổng số lượng trong danh mục đã giảm xuống còn 58 cổ phiếu, trong đó có 44 cổ phiếu Việt Nam. Quy mô của quỹ là 377 triệu USD. Hai cổ phiếu VHM và MSN có tỷ trọng lớn nhất đều là 8%. Tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ ở mức 79,91%, thấp hơn so với mức 82,14% của kỳ trước và 3,33% so với thời điểm 10/9 là 83,24%.
HoSE nhắc nhở SAM Holdings vì chậm công bố thông tin: Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) nhắc nhở chậm giải trình về Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 đối với Công ty CP SAM Holdings (HoSE – Mã: SAM). Theo đó, ngày 30/8 và 7/9, HoSE đã nhận và công bố thông tin Báo cáo tài chính, hợp nhất đã được soát xét 6 tháng đầu năm 2022 và công văn giải trình biến động ngày 6/9. Theo đó, SAM Holdings đã chậm công bố thông tin văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trên 10% so với cùng kỳ năm trước. HoSE nhắc nhở và đề nghị SAM Holdings nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
HNX cắt margin cổ phiếu LDP của Dược Lâm Đồng: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bổ sung cổ phiếu LDP của CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (công ty con của Louis Holdings) vào danh sách chứng khoán bị cắt margin từ ngày 12/9. Lý do được HNX đưa ra là do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ LDP và lợi nhuận sau thuế của công ty bán niên 2022 là số âm (cùng âm 18,9 tỷ đồng). Về chỉ tiêu kinh doanh, cách đây không lâu, ban lãnh đạo LDP đã hạ mục tiêu doanh thu năm nay từ 600 tỷ đồng xuống còn 227 tỷ đồng - tương ứng giảm hơn 62% so với kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ thường niên vào cuối tháng 5. Công ty cũng dự kiến lỗ trước thuế 23 tỷ đồng trong khi trước đó kỳ vọng có lãi 21,2 tỷ.
Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vào ghế cổ đông lớn PV Drilling: Các quỹ thành viên của Dragon Capital vừa mua vào 3,1 triệu cổ phiếu PVD của Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD). Cụ thể, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 cổ phiếu. Tổng sở hữu của cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 4,77% lên 5,33%, trở thành cổ đông lớn vào ngày 7/9. Cổ phiếu PVD hiện giao dịch vùng 19.100 đồng/cp, giảm 8% trong vòng 1 tuần nhưng tăng 40% tính vùng giá đầu tháng 7. Hiện tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn là cổ đông lớn nhất tại PV Drilling với sở hữu trên 280 triệu cổ phiếu tương đương 50,46% vốn điều lệ.
Phục Hưng Holdings (PHC) chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 8%: Ngày 22/9 tới đây CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán PHC) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền. Tỷ lệ thanh toán 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 800 đồng. Thời gian thanh toán 21/10/2022. Như vậy với hơn 50,6 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Phục Hưng Holdings sẽ chi khoảng 40 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2021 của Phục Hưng Holdings đạt 935 tỷ đồng, giảm 39,2% so với năm 2020. Tuy vậy nhờ doanh thu tài chính tăng, chi phí các loại, đặc biệt là chi phí tài chính giảm khiến lợi nhuận sau thuế gấp 5,6 lần cùng kỳ, lên gần 55 tỷ đồng. EPS đạt 2.102 đồng.
Nguyên Nam