Xanh vỏ đỏ lòng, thanh khoản cũng "giảm tốc": Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/4, VN-Index tăng nhẹ 0,92 điểm (+0,09%) lên 1.053,81 điểm với 170 mã tăng và 202 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 453,79 triệu đơn vị, giá trị 8.052,82 tỷ đồng, giảm 32,42% về khối lượng và 29,06% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 14/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 47,22 triệu đơn vị, giá trị 1.338,22 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm, tuy nhiên điểm đáng chú ý là nhiều mã lớn đã tìm lại được sắc xanh dù biên độ tăng còn khá hạn chế chủ yếu chỉ trên dưới 1% như VHM, HPG, CTG, TCB, SSI. Đáng chú ý, dẫn đầu mức tăng của rổ này chính là cặp đôi vừa và nhỏ nhóm bất động sản, đó là NVL và PDR khi cùng kết phiên tại mức giá cao nhất trong ngày. Trong đó, NVL tăng 4,2% và khớp 16,69 triệu đơn vị, còn PDR tăng 3,7% và khớp xấp xỉ 7 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, các mã lớn như SAB, BVH, VNM, PLX giảm hơn 1%, còn lại đều có biên độ giảm chưa tới 1%.
Ngắt nhịp bán ròng, khối ngoại trở lại gom HPG với số lượng lớn: Khối ngoại ngắt nhịp bán ròng trên sàn HOSE sau 7 phiên liên tiếp, đồng thời trở lại mua ròng mạnh cổ phiếu thép HPG trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 17/4. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 17/4, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng 11,05 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 220,88 tỷ đồng; trong khi phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 14/4 bán ròng 10,09 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 194,94 tỷ đồng.
Cổ phiếu ITA tiếp tục bị cảnh báo trên HOSE: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định về việc đưa cổ phiếu ITA của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo vào diện cảnh báo kể từ ngày 21/4/2023. Nguyên nhân HOSE đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo là do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán của tổ chức niêm yết, thuộc chứng khoán bị cảnh báo theo quy định điểm c khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Trước đó, 938 triệu cổ phiếu ITA tiếp tục bị cảnh báo trên HOSE do ITA chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo đồng thời tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin trong 6 tháng kể từ ngày bị cảnh báo.
VNPost đấu giá bất thành cổ phiếu LPB: Phiên đấu giá cổ phần của LienVietPostBank do VNPost sở hữu sẽ không được tổ chức. Nguyên nhân là do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4/2023), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua cổ phần, không đủ điều kiện tổ chức phiên đấu giá theo quy định. Trước đó, VNPost dự kiến bán đấu giá hơn 140 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank, tương đương 10,15% vốn của ngân hàng này. Giá khởi điểm được công bố là 22.908 đồng/cổ phần, tương đương cả lô là hơn 3.200 tỷ đồng. Mức giá khởi điểm cho 1 cổ phần LPB cao hơn gấp rưỡi so với thị giá của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán.
Dệt may Thành Công muốn thoái vốn hoàn toàn khỏi Savimex: Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) - cổ đông lớn thứ hai của Công ty CP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) - tiếp tục đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu sau đợt thoái vốn bất thành trước đó. Cụ thể, trong thời gian từ 13/03-11/04/2023, TCM đăng ký bán toàn bộ gần 3,8 triệu cổ phiếu SAV, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,59%. Tuy nhiên, TCM chỉ bán được gần 2,4 triệu cổ phiếu, dẫn đến sau giao dịch vẫn còn gần 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương 7,59%. Theo đó, TCM đã tiếp tục đăng ký bán gần 1,4 triệu cổ phiếu còn lại từ ngày 19/04-18/05/2023. Nếu giao dịch thành công, TCM sẽ không còn là cổ đông của SAV.
Sao Ta sắp trả cổ tức năm 2022: Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), thành viên Tập đoàn PAN thông báo chốt lịch trả cổ cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng là 9/5, ngày thanh toán là ngày 26/5. Tỷ lệ thực hiện là 20%/mệnh giá cổ phiếu, tương ứng với mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu được nhận 2.000 đồng. Với 65.388.889 cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Sao Ta sẽ chi 130,7 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này. Hiện, PAN đang nắm giữ 37,75% vốn của FMC, tương đương 24,68 triệu cổ phiếu. Theo đó, PAN sẽ thu về gần 50 tỷ đồng tiền cổ tức. Về tình hình kinh doanh mới nhất, FMC đạt 14,6 triệu USD doanh thu trong tháng 2/2023, giảm 21% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ tôm và nông sản thành phẩm sụt giảm.
Vận tải biển Hải Âu sau 12 năm mới chia lại cổ tức: Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (Sesco, UPCoM: SSG) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng tiền. Đáng nói, đây là đợt chia cổ tức đầu tiên sau 12 năm. Lần gần nhất, Công ty chia cổ tức là năm 2010 với tỷ lệ 8% bằng tiền, thanh toán năm 2011. Về cổ tức 2022, tỷ lệ thực hiện quyền là 37% (1 cổ phiếu được nhận 3.700 đồng). Với gần 5 triệu cp đang lưu hành, ước tính SSG cần chi gần 18,5 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/04. Ngày thanh toán dự kiến vào 10/05/2023. Vận tải biển Hải Âu (Sesco) tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực vận tải biển và thực hiện cổ phần hóa vào năm 2000. Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của SSG tăng từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
Nhận định chứng khoán ngày 18/4/2023: Chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn Lực cầu về gần cuối phiên chiều đã giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh. Thanh khoản có phần sụt giảm cùng tốc độ giao ... |
Nhận định chứng khoán ngày 18/4/2023: Xu hướng thị trường phái sinh Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 18/4/2023. Tạp ... |
Tự doanh tiếp tục giao dịch thận trong phiên 17/4, cổ phiếu EIB bất ngờ thành tâm điểm Phiên giao dịch ngày 17/4, tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng với giá trị khoảng 24 tỷ đồng trên cả 3 ... |
Nguyên Nam (t/h)