Thanh khoản suy yếu, VN-Index gắng gượng đi ngang: Phiên giao dịch ngày 24/1, thị trường chứng khoán bất ngờ suy yếu với 164 mã tăng và 313 mã giảm. Theo đó,VN-Index chốt phiên giao dịch hôm nay với mức giảm 0,45% xuống vùng 1.177 điểm. Thanh khoản thị trường có chút suy yếu so với hôm qua, tương ứng 15,1 nghìn tỷ đồng. Tại nhóm VN30, TCB, BCM là 2 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của thị trường. Đáng nói, TCB tiếp tục bứt phá với đà tăng 1,4%. Ngược chiều, MWG là mã giảm mạnh nhất nhóm với biến động lên tới 1,6%.
Tổng quan, trong phiên giao dịch chiều nay, dòng tiền đã có tín hiệu chốt lời tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cùng chiều, nhóm thép cũng phát tín hiệu suy yếu với thanh khoản tương đối thấp. Tại nhóm đầu tư công, so với phiên sáng, sắc xanh đang chiếm ưu thế. Kết phiên chiều, các mã cổ phiếu thuộc liên danh VIETUR gồm CC1, VCG, HAN,... có phần cải thiện với đà tăng trên 2%. Cùng chiều, các cổ phiếu cùng ngành khác như HHV, KSB, FCN, LCG,... giảm điểm với biên độ không đáng kể. Đáng nói, HBC không thể giữ vững đà tăng với mức giảm 0,15%.
Ảnh minh họa |
Cổ phiếu APC và SCD bị lưu ý về khả năng hủy niêm yết bắt buộc: ở GDCK TP.HCM vừa có thông báo lưu ý nhà đầu tư về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (SCD) và Công ty CP Chiếu xạ An Phú (mã APC). Cụ thể, cổ phiếu SCD hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do căn cứ BCTC soát xét 6 tháng năm 2023 lỗ lũy kế 119,77 tỷ đồng và vốn điều lệ thực góp là 85 tỷ đồng. Đồng thời, cổ phiếu SCD cũng thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2021 là âm 35,59 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2022 là âm 48,68 tỷ đồng. HOSE cũng đã lưu ý về việc cổ phiếu APC bị hủy niêm yết bắt buộc với lý do tương tự. Cụ thể, hiện cổ phiếu APC đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế năm 2022 là âm 9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2021 là âm 1,59 tỷ đồng căn cứ vào BCTC năm 2022 và năm 2021.
Kỳ lân công nghệ VNG rút hồ sơ IPO tại Mỹ: Theo tuyên bố trên trang web của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) trong ngày 22/01, VNG Limited quyết định không IPO tại thời điểm này và lên kế hoạch trở lại trong tương lai. Tuyên bố trên cũng không cung cấp thời điểm sẽ tiến hành lại quá trình IPO hay lý do cho việc rút hồ sơ nói trên. Phía VNG cũng từ chối trả lời bình luận về vấn đề này. Hồi tháng 8/2023, VNG Limited – được xem là một trong những startup công nghệ hứa hẹn nhất của Việt Nam – đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Cổ đông chi phối VNG dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Nhưng đến tháng 9/2023, VNG đã trì hoãn kế hoạch IPO cho tới khi nhà đầu tư sẵn sàng đón nhận.
Giao dịch "chui" cổ phiếu, Vợ Phó Chủ tịch ITA bị phạt hơn 1 tỷ đồng: Ngày 19/01/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt hành chính bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là vợ của ông Đặng Quang Hạnh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) do giao dịch "chui" cổ phiếu. Bà Hạnh bị phạt hơn 1 tỷ đồng do có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Cụ thể, vị này đã thực hiện giao dịch gần 5,8 triệu cổ phiếu ITA (trong đó mua 1,1 triệu cổ phiếu và bán gần 4,7 triệu cổ phiếu) trong tháng 6/2022, bán 520 nghìn cổ phiếu trong tháng 7/2022 và bán 88 nghìn cổ phiếu ITA trong tháng 9/2022 nhưng không báo cáo trước khi giao dịch. Tổng giá trị giao dịch (tính theo mệnh giá) hơn 64 tỷ đồng. Ngoài ra, Bà Hạnh còn bị đình chỉ giao dịch chứng khoán thời hạn 3,5 tháng.
Acuity Funding tài trợ cho NSH Petro 650 triệu USD: Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro - HOSE: PSH) nhận được cam kết về khoản tài trợ 650 triệu USD từ Acuity Funding (Autralia) để đầu tư xây dựng phát triển kinh doanh xăng dầu. Nguồn vốn này, NSH Petro sẽ đầu tư 6 dự án tại các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An và 100 triệu USD cho nhập khẩu xăng dầu. Acuity Funding là tổ chức sắp xếp và quản lý vốn, hoạt động như một ngân hàng đầu tư toàn cầu, được ủy thác bởi các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ, tổ chức bảo hiểm tại Anh, Mỹ và Australia. Acuity Funding là thành viên không kiểm soát của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và có năng lực thu xếp và quản lý hàng trăm tỷ USD cho các dự án quy mô lớn.
BaF Việt Nam sắp trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu: Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022. BaF Việt Nam dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 17%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 17 cổ phiếu mới và triển khai trong quý I đến quý II/2024. Với 143,52 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính BaF Việt Nam sẽ phát hành thêm 24,4 triệu cổ phiếu BAF để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Được biết, ngày 8/5/2023, Công ty BaF Việt Nam thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023, tỷ lệ 17% (khoảng 24,4 triệu cổ phiếu), thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (tối đa ngày 8/11/2023).
Dồn lực tự doanh, Chứng khoán SHS "thăng hoa" báo lãi 2023 gấp 3,5 lần cùng kỳ Bên cạnh việc phát hành Báo cáo tài chính quý 4 năm 2023, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vừa đưa ra thông cáo ... |
Dòng midcaps bất ngờ được khối ngoại mạnh tay giải ngân trong phiên 23/1 Kết thúc phiên giao dịch 23/01, khối ngoại mạnh tay "giải ngân" trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 216,81 tỷ đồng, tập ... |
Nhận định chứng khoán phiên 24/1: Tiếp tục điều chỉnh, có thể "lướt sóng" Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khả năng điều chỉnh của thị trường có thể còn tiếp diễn khi bước vào phiên giao dịch ... |
Nguyên Nam