Hồi nhẹ cuối phiên, VN-Index vẫn mất mốc 1.100 điểm: Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/10, VN-Index giảm 14,5 điểm (-1,31%), xuống còn 1.093,53 điểm; HNX-Index giảm 2,19 điểm (-0,96%), xuống còn 226,26 điểm. Độ rộng toàn thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 450 mã giảm và 302 mã tăng. Áp lực bán lớn cũng hiện diện trong rổ VN30 với 27 mã giảm, 2 mã tăng và 1 mã tham chiếu. Thanh khoản thị trường tiếp tục thấp, giá trị giao dịch của VN-Index chỉ đạt hơn 12,1 ngàn tỷ đồng, với khối lượng 563 triệu đơn vị; HNX-Index đạt khối lượng 69.2 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1,4 nghìn tỷ đồng.
Diễn biến của VN-Index trong phiên chiều vẫn không có nhiều khởi sắc, dù xuất hiện nhịp phục hồi nhẹ từ mức đáy đầu giờ chiều nhưng không đáng kể khi bên bán vẫn gây áp lực lớn. Kết phiên, GAS (-3,13%) lấy đi 1,45 điểm, VNM (-2,9%) lấy đi 1,1 điểm, MSN (-4,35%) lấy đi 1 điểm của chỉ số. Ngược lại, SSB (+1,43%), HAG (+6,87%) và LPB (+1,03%) là những mã tác động tích cực nhất đến VN-Index nhưng không đáng kể. Trong rổ VN30, MSN và MWG giảm mạnh lần lượt 4,35% và 3,8% trước áp lực bán ròng của khối ngoại. Bên cạnh đó, sắc đỏ của các mã GVR (-3,7%), SAB (-3,1%), GAS (-3,13%), VNM (-2,9%), VPB (-2,5%)… cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường chung.
Ảnh minh họa |
Cổ phiếu HIO tăng hết biên độ ngày chào sàn UPCOM: Ngày 23/10, Công ty CP Helio Energy chính thức giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán là HIO. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 21 triệu cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.600 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HIO tăng hết biên độ (+39,62%) lên mức 14.800 đồng/cổ phiếu. Công ty CP Helio Energy tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1 được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2020. Công ty mẹ của HIO là Công ty CP Helio Power đang nắm giữ hơn 14.556.000 cổ phần tại Helio Energy, tương ứng 69,31% vốn điều lệ của Công ty. Trong phần giới thiệu về mình, Helio Energy cho biết, nhận thấy những xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo, từ năm 2020, Công ty đã được thành lập và đầu tư và phát triển các dự án điện mặt trời tại khu vực Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk và Đắk Nông...
Hơn 10 triệu cổ phiếu của gia đình lãnh đạo CII được sang tay: Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) và vợ là bà Phạm Thị Thúy Hằng thông báo đã bán thành công hơn 10 triệu cổ phiếu CII. Mục đích thực hiện giao dịch là để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh từ ngày 10/10 - 23/10. Trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch, CII đã giảm từ mức 18.440 đồng/cp còn 15.600 đồng/cp, tức giảm 16% trong chưa đầy 2 tuần. Mới đây tại ĐHCĐ, ông Bình cho biết mục đích chuyển từ cổ đông sang chủ nợ, thực ra, cổ đông nhầm lẫn lớn giữa cổ đông và chủ nợ. Trái phiếu chuyển đổi là cổ đông, nếu trường hợp xấu mà phải xử lý tài sản thì sở hữu trái phiếu chuyển đổi và cổ phiếu như nhau. Đây là khoản đầu tư dài hạn vào CII, đây là đầu tư dài hạn, nếu như nắm giữ cổ phiếu không mua bán được, nắm giữ trái phiếu, số lượng trái phiếu khi chuyển đổi sẽ được nhiều cổ phiếu hơn.
Công ty liên quan đến Chủ tịch ITA muốn bán thỏa thuận gần 32 triệu cổ phiếu: Trong thông báo giao dịch gần đây, Công ty CP Đầu tư Đô thị Sài Gòn - Mekong đã đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ gần 32 triệu cổ phiếu (3,4%) của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA) đang nắm giữ từ ngày 26/10-24/11/2023. Được biết, bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) - Chủ tịch HĐQT ITA đang đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Sài Gòn - Mekong. Ngoài ra, Tổng Giám đốc ITA ông Nguyễn Thanh Phong cũng đang kiêm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của đơn vị này. Được biết, Sài Gòn - Mekong là chủ đầu tư dự án khu đô thị Saigon - Mekong. Theo thông tin trên website của ITA, dự án có quy mô 200ha, tọa lạc tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức và xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Tổng vốn đầu tư hơn 22.504 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2015 nhưng đến nay thời gian hoàn thành thực tế vẫn còn bỏ ngỏ.
Một công ty kiểm toán bị UBCKNN đình chỉ 3 tháng: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây ban hành quyết định đình chỉ tư cách công ty kiểm toán đối với Công ty TNHH PKF Việt Nam từ ngày 16/10 - 31/12/2023 với lý do bị phát hiện làm giả tài liệu. Hồi tháng 3, PKF Việt Nam cho biết, bà Dương Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thứ hai của PKF Việt Nam, phụ trách văn phòng Hà Nội đã ngụy tạo và làm giả hồ sơ tài liệu để mạo danh chức vụ Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH PKF Việt Nam và đã cùng với một số cá nhân tổ chức các cuộc họp với danh nghĩa HĐTV công ty, tạo lập các biên bản họp HĐTV giả mạo; ban hành các Nghị quyết của HĐTV giả mạo; thay đổi mẫu dấu của công ty và mẫu dấu của chi nhánh TP. HCM; giả mạo chấm dứt tư cách của 7/11 thành viên của công ty. Bà Thảo còn lạm dụng chức vụ là người đại diện theo pháp luật để thực hiện các hành vi vượt thẩm quyền như mua chữ ký số và phần mềm hóa đơn điện tử không hợp lệ để truy cập trái phép vào hệ thống hóa đơn điện tử của công ty, phát hành các hóa đơn thuế giá trị gia tăng không hợp lệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp nhận hóa đơn và công ty.
Hoá chất Đức Giang chốt lịch trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%: Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HOSE: DGC) thông báo ngày 20/12 tới đây sẽ chốt danh sách trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 30%. Với 379,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DGC cần chi hơn 1.139 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán là ngày 18/1/2024. Về tình hình kinh doanh, DGC vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 2.463 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm chậm hơn với tỷ lệ 21% khiến biến lãi gộp bị co lại đáng kể từ mức 44,5% cùng kỳ xuống 38%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 840 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, Hoá chất Đức Giang lãi sau thuế 803 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của Hoá chất Đức Giang tăng 10% so với đầu năm lên gần hơn 14.693 tỷ đồng. Trong đó, tài sản là tiền gửi ngân hàng ngắn hạn chiếm tới hơn 65%, ghi nhận gần 9.594 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Ngược lại, tiền và tương đương tiền đã giảm mạnh hơn 1.462 tỷ so với đầu năm, chỉ còn 73,2 tỷ vào cuối quý 3.
Thanh khoản thị trường thấp, VN-Index trở lại diễn biến kém khả quan Trong phiên giao dịch đầu tuần, dòng tiền "cá mập" mạnh tay thoát hàng khỏi thị trường khiến VN-Index "bốc hơi" 14,5 điểm. Đáng chú ... |
Phiên giao dịch ngày 24/10/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ... |
Nhận định chứng khoán ngày 24/10: VN-Index đối mặt với rủi ro lùi về khu vực 1.055 điểm Tâm lý bi quan kéo dài khiến cho thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên 23/10, VN-Index giảm 14,5 điểm và trượt ... |
Anh Khôi (t/h)