Gần 37 triệu cổ phiếu RIC của Quốc tế Hoàng Gia vừa được 'trao tay': Theo thông tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), VSD đã thực hiện chuyển quyền sở hữu hơn 36,93 triệu cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia trong ngày 22/10 vừa qua. Cụ thể, số cổ phiếu trên được chuyển nhượng từ Kai Chieh International Investment Ltd sang cho KaiViet Investment Co., Ltd. Số cổ phần này chiếm khoảng 52,49% trong tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Quốc Tế Hoàng Gia. Về kết quả kinh doanh, RIC vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu đạt 12,62 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 25,1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 17 tỷ đồng). Trước đó, công ty đã báo lỗ ròng trong hai năm liên tiếp, trong đó năm 2019 lỗ 72,8 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 81,54 tỷ đồng. Như vậy, nếu RIC ghi nhận lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính gần nhất, cổ phiếu của công ty sẽ có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.
Tập đoàn Tân Mai bị phạt gần nửa tỷ đồng vì vi phạm công bố thông tin: Ngày 21/10/2021, UBCKNN có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Tập đoàn Tân Mai (OTC: TanMai). Theo đó, Công ty bị phạt tiền 125 triệu đồng do phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với UBCKNN. Mặt khác, Tân Mai còn bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Được biết, Công ty trở thành công ty đại chúng trước ngày 01/01/2016. Đến ngày 07/06/2017, UBCKNN đã có công văn yêu cầu Công ty đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM. Nhưng đến nay, Công ty chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch. Tính chung cả 2 lần, tổng số tiền Tân Mai phải nộp phạt lên đến 475 triệu đồng.
Công ty liên quan Chủ tịch An Gia mua gần 3,5 triệu cổ phiếu AGG: CTCP Quản lý và Đầu tư Trường Giang công bố đã mua vào gần 3,5 triệu cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HOSE – Mã: AGG). Các giao dịch được thực hiện trong tuần vừa qua, từ 19/10 đến 22/10, nâng tỷ lệ sở hữu lên 41,77% vốn, tương ứng 34,56 triệu cổ phiếu. Công ty Trường Giang do ông Nguyễn Bá Sáng làm Tổng giám đốc. Ông Sáng cũng là Chủ tịch HĐQT của An Gia. Sau giao dịch, ông Sáng và công ty Trường Giang đang sở hữu hơn 35 triệu cổ phiếu AGG, tỷ lệ 42,38% vốn. Trong thời gian công ty Trường Giang thực hiện giao dịch, giá mỗi cổ phiếu AGG tăng từ 45.500 đồng lên 48.300 đồng, tức tăng 6% chỉ qua 4 phiên.
Tự doanh CTCK chấm dứt chuỗi 7 tuần mua ròng liên tiếp: Trong tuần vừa qua, dòng vốn tự doanh không còn duy trì được sự tích cực như các tuần trước đó. Theo dữ liệu của FiinPro, khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) chấm dứt chuỗi mua ròng 7 tuần liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 880 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng khối lượng bán ròng là 25,9 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo phương thức khớp lệnh, dòng vốn này bán ròng 669 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh bán ròng mạnh các chứng chỉ quỹ ETF nội, trong đó, dẫn đầu là FUESSVFL với giá trị bán ròng 162 tỷ đồng. E1VFVN30 và FUEVFVND bị bán ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 69 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng là HPG với giá trị 152 tỷ đồng. VPB cũng bị bán ròng hơn 63 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, GAS được mua ròng mạnh nhất với 54 tỷ đồng. NTL và PVD được mua ròng lần lượt 32 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh 'xả hàng', HPG bị bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng tuần từ 18-22/10: Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm tiêu cực của thị trường chứng khoán và tác động đáng kể đến tâm lý của nhà đầu tư. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 143 triệu cổ phiếu, trị giá 6.540 tỷ đồng, trong khi bán ra 214 triệu cổ phiếu, trị giá 10.175 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 71 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 3.635 tỷ đồng. Tại sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 3.437 tỷ đồng (gấp 5 lần so với giá trị bán ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 66,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, khối ngoại sàn này đã có tuần bán ròng thứ 11 liên tiếp với tổng giá trị lên đến 24.126 tỷ đồng. Tương tự như các tuần trước đó, khối ngoại sàn HoSE vẫn bán ròng mạnh nhất mã HPG với giá trị lên đến 1.017 tỷ đồng. NLG đứng sau với giá trị bán ròng là 528 tỷ đồng. Khá nhiều cổ phiếu bluechip cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh có VHM, NVL, VIC, VCB...
Thị trường sắp chào đón thêm quỹ hơn nghìn tỷ đến từ Thái Lan: Thị trường chứng khoán Việt Nam sắp chào đón thêm một quỹ nước ngoài đến từ Thái Lan là Bualuang Vietnam Equity Fund (B-VIETNAM). Quỹ dự kiến có quy mô khoảng 2 tỷ Baht, tương đương hơn 1.366 tỷ đồng. B-VIETNAM thuộc quản lý bởi công ty quản lý tài sản Bualuang Asset Management Co., Ltd. B-VIETNAM đã phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) từ 14/10 đến 20/10 và dự kiến sẽ chính thức giao dịch từ 25/10. Nhà đầu tư có thể mua chứng chỉ quỹ với giá trị tối thiếu là 500 Baht (khoảng 339.000 đồng). Quỹ sẽ so sánh hiệu suất điều chỉnh với tỷ giá Baht với chỉ số MSCI Việt Nam tính theo USD…
Nhà Thủ Đức (TDH) và Louis Land (BII) chấm dứt chủ trương hợp tác chiến lược đầu tư sau 1 tháng ký kết: CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE - Mã: TDH) thông qua Nghị Quyết về việc chấm dứt chủ trương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư danh mục dự án bất động sản với CTCP Louis Land (Mã chứng khoán BII – sàn HNX). Theo đó, Nhà Thủ Đức sẽ chấm dứt chủ trương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược danh mục dự án bất động sản với BII gồm 4 dự án: Dự án Khu dân cư Cần Thơ; Dự án Bất động sản tại Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ); Dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang; và dự án Phan Văn Hớn – Hóc Môn. Được biết, trong giai đoạn cuối tháng 9/2021, TDH và BII đồng loạt đưa tin ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm triển khai phát hàng loạt dự án bất động sản.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam