Một cổ phiếu dược tăng 155% trong 20 ngày: Bất chấp nhịp điều chỉnh lấy đi hơn 70 điểm của VN-Index, cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex vẫn tăng kịch trần, đạt tỷ lệ tăng giá 155% kể từ ngày 6/8. Theo quan sát, đà tăng giá của cổ phiếu VMD bắt đầu kể từ phiên 9/8, sau thông tin Y Dược phẩm Vimedimex sẽ nhập khẩu vắc xin COVID-19 về Việt Nam. Kể từ đó, giá cổ phiếu VMD tăng 155%, đóng cửa phiên 26/8 ở mức 63.000 đồng/cp. Đáng chú ý, cổ phiếu VMD tăng kịch trần trong nhiều phiên liên tiếp. Cùng với đà tăng phi mã, cổ phiếu này thường xuyên bị "tiết cung" khi khối lượng đặt mua giá trần hàng chục nghìn đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh lại thấp hơn đáng kể.
217 mã cổ phiếu bị cảnh báo trên UPCoM: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo Danh sách cảnh báo nhà đầu tư trên Hệ thống giao dịch UPCoM tại ngày 26/08/2021. Danh sách này gồm 217 mã. Trong đó, có 16 công ty có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng. Tiếp theo là danh sách 192 công ty bị hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM theo quy định của HNX. Trong tháng 8 này có sự góp mặt của 4 gương mặt mới là CTCP Vinaconex 39 (UPCoM: PVV), Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc tỉnh Hậu Giang (UPCoM: HGC), CTCP Cấp nước Bạc Liêu (UPCoM: BLW) và CTCP Tổng Bách hóa (UPCoM: TBH). Danh sách cảnh báo cũng bao gồm 9 công ty bị đình chỉ giao dịch trên sàn UPCoM.
VHM bị bán ròng hơn 200 tỷ đồng trong phiên 26/8: Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi mua vào 39 triệu cổ phiếu, trị giá 1.439 tỷ đồng, trong khi bán ra 43,9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.815 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 3,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 375 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 400 tỷ đồng (gấp 42 lần so với phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 4,4 triệu cổ phiếu. VHM bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 200 tỷ đồng. CTG và HPG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 83 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. Trong khi đó, MBB được mua ròng mạnh nhất với 82 tỷ đồng. VNM cũng được mua ròng 43 tỷ đồng.
HOSE duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu FTM: Ngày 25/08, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) do Công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát. Trước đó, ngày 16/04/2021, HOSE từng ban hành quyết định về việc đưa cổ phiếu FTM vào diện kiểm soát. Ngày 16/08/2021, HOSE đã nhận được BCTC bán niên đã soát xét 2021 của FTM. Theo đó, Công ty lỗ sau thuế 94 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 và lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30/06/2021 trên 290 tỷ đồng.
Chứng khoán SSI phát hành 16 mã chứng quyền trong tháng 8 với khối lượng 170 triệu đơn vị: Trong tháng 8/2021, CTCP Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) đã phát hành thêm 16 mã chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant, CW), tương đương 170 triệu chứng quyền ra thị trường. Trong đó, 122 triệu chứng quyền sẽ chính thức niêm yết vào ngày 27/08/2021. Cụ thể, SSI đã có 2 đợt phát hành chứng quyền trong tháng 8, với 16 mã chứng quyền mới dựa trên các mã chứng khoán cơ sở gồm nhóm các công ty sản xuất và dịch vụ (HPG, VIC, VRE, MSN, FPT, MWG, PNJ, VHM, VJC, VNM, NVL, KDH) và nhóm các ngân hàng (VPB, MBB, TCB, STB). Tất cả đều có kỳ hạn 5 tháng. Trong đợt 1 ngày 06/08, SSI đã chính thức phát hành thêm 10 mã mới tương đương 122 triệu CW. Hiện tại 10 chứng quyền này sẽ chính thức giao dịch phiên đầu tiên tại sàn HOSE vào ngày 27/08. Các chứng quyền đợt 2 được phát hành vào ngày 19/08 với tổng số lượng là 48 triệu CW.
Hàng loạt cổ phiếu bị cắt margin sau soát xét báo cáo bán niên 2021: Theo danh sách cập nhật ngày 25/08, HOSE thông báo đang có 5 mã bị cắt margin với lý do liên quan đến BCTC soát xét bán niên 2021. Hiện trên HOSE đang có tổng cộng 65 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), theo danh sách cập nhật đến ngày 25/08. Trong đó, có 5 mã bị cắt margin với lý do liên quan đến BCTC soát xét bán niên 2021. Đối với 4 mã CHP của CTCP Thủy điện Miền Trung, PNC của CTCP Văn Hóa Phương Nam, SCD của CTCP Nước giải khát Chương Dương, TNI của CTCP Tập đoàn Thành Nam, nguyên nhân đến từ việc lãi sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng năm 2021 là con số âm. Trường hợp VPS của CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam, HOSE quyết định cắt margin do BCTC hợp nhất bán niên năm 2021 soát xét có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán. Đối với HNX, trong giai đoạn từ ngày 12 - 25/08, Sở này đã thông báo cắt margin đối với 10 mã với lý do liên quan đến BCTC soát xét bán niên 2021.
Nguyễn Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam