Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong tháng 4: Lịch sử lặp lại?

24/04/2023 - 23:25
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán vừa kết thúc một tuần giao dịch khá ảm đạm về mặt chỉ số cũng như thanh khoản, xu hướng giảm điểm trong tháng 4 ngày càng thể hiện rõ hơn.

Kết thúc tuần giao dịch 17/4 – 22/4, TTCK Việt Nam đóng cửa tại mức 1.042,9 điểm. Thanh khoản giao dịch của thị trường được đánh giá ở mức thấp với sự thiếu hụt của dòng tiền. VN-Index có diễn biến cân bằng trong 3 phiên đầu tuần, tuy nhiên sau khi thủng mốc 1.050 vào phiên 19/4 khiến diễn biến ngắn hạn của thị trường đã xấu đi nhanh chóng. Nỗ lực kiểm định môc 1.050 tỏ ra yếu ớt trong phiên ngày 20/4 và ngay sau đó VN-Index đã giảm mạnh hơn trong phiên cuối tuần (21/4) khi bên bán tỏ ra mất kiên nhẫn.

Chốt tuần, VN-Index rơi về mức 1.042,91 để mất 9,98 điểm, tương đương 0,95% so với tuần trước và có tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Áp lực bán cũng gia tăng vào cuối tuần trên 2 sàn còn dẫn tới sự giảm điểm trên HNX và UPCOM. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm về mức 206,9 điểm (-0,2% sv tuần trước) và chỉ số UPCOM-Index lùi về mức 78,0 điểm (-0,9% sv tuần trước).

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong tháng 4: Lịch sử lặp lại?
Diễn biến VN-Index tuần giao dịch 17/04-21/04. Ảnh minh họa

Thanh khoản giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm 33% sv tuần trước về mức 10.389 tỷ đồng/phiên. Tuần qua, giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi ghi nhận bán ròng hơn 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại cho thấy trạng thái giằng co khi mua ròng nhẹ 55 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh luỹ kế 5 phiên, tuy nhiên bán ròng đột biến 356 tỷ đồng thoả thuận. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp khối ngoại bán ròng khớp lệnh trên thị trường.

Thị trường tuần qua chứng kiến sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành. Dòng tiền có sự chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, đầu tư công sang nhóm cổ phiếu chứng khoán. Tuần qua chứng kiến sức tăng tốt của nhóm cổ phiếu có vốn hóa tầm trung và nhỏ như BSI, AGR, FTS, ORS và APS. Sự phân hóa còn diễn ra ngay trong chính nhóm ngành Bất động sản với bên tăng là VHM (+0,6%); NLG (+3,0%);... trong khi bên giảm là NVL (-4,2%); PDR (-3,0%); DXG (-0,8%).

Thị trường chứng khoán tuần giao dịch 24/04 – 28/04 được nhận định là sẽ có nhiều biến động. Theo thống kê, trong vòng nhiều năm trở lại đây, trong tháng 4, TTCK Việt Nam thường có sự biến động mạnh về chỉ số, cụ thể:

T4/2017: Thị trường giảm từ 732 xuống 704

T4/2018: Thị trường giảm từ 1.208 xuống 1028

T4/2019: Thị trường giảm 999 xuống 959

T4/2020: Thị trường tăng 659 lên 762

T4/2021: Thị trường tăng từ 1.180 lên 1.234

T4/2022: Thị trường giảm từ 1.530 xuống 1.265

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong tháng 4: Lịch sử lặp lại?
Diễn biến VN-Index T4/2022

Như vậy, trong vòng 6 năm trở lại đây, đa phần thị trường có xu hướng giảm điểm trong tháng 4. Lí giải nguyên nhân vì sao thị trường thường biến động mạnh trong tháng 4, các chuyên gia cho rằng có 3 nguyên nhân chính sau đây:

Nguyên nhân đầu tiên, xét về góc độ vĩ mô, tháng 4 là thời điểm nhạy cảm bởi vì các chính sách thường được công bố trong thời gian này. Ví dụ như năm 2022, thời gian Fed bắt đầu tăng lãi suất đợt đầu cũng diễn ra vào tháng 4. Sau khi FED công bố tăng lãi suất đợt đầu tiên, thị trường liền phản ứng khá mạnh, dẫn tới sự giảm điểm.

Nguyên nhân thứ hai, xét về góc độ doanh nghiệp, tháng 4 cũng là thời điểm công bố báo cáo tài chính Q1 cũng như BCTC của năm trước. Việc 2 thông tin quan trọng trên được công bố trong cùng 1 thời điểm sẽ dẫn tới sự phân hóa mạnh của dòng tiền. Nhà đầu tư sẽ dựa vào thông tin mà các doanh nghiệp công bố, từ đó đưa ra quyết định đầu tư của mình. Các doanh nghiệp mà có báo cáo kết quả hoạt động kém sẽ bị bán mạnh. Dòng tiền sẽ tìm tới những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và có triển vọng tốt trong tương lai để hướng đến. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự biến động mạnh của giá cổ phiếu.

Nguyên nhân thứ 3, xét trên hành vi và tâm lý của nhà đâu tư, tháng 4 là thời điểm thích hợp để chốt lời các mã cổ phiếu. Trung bình, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tại Việt Nam thường kéo dài ít nhất 3 ngày, nếu như trùng với Giỗ tổ Hùng Vương thì thời gian nghỉ có thể lên tới 5 ngày. Chính vì vậy, nhà đầu tư thường có thói quen rút tiền khỏi thị trường để phục vụ cho mục đích mua sắm, du lịch, trong thời gian nghỉ lễ. Chính vì lí do này, thanh khoản thị trường thường trong tháng 4 thường ở mức thấp hơn so với các tháng khác trong năm.

Chỉ còn 1 tuần giao dịch là hết tháng 4, tuy nhiên xu hướng giảm điểm đã thể hiện rõ trong năm nay. Tính tới ngày hôm nay (24/04), VN-Index đã giảm từ 1082 xuống quanh vùng 1040 điểm. Mặc dù trong phiên sáng nay (24/04) NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu nợ tuy nhiên dòng tiền vẫn khá thận trọng. Nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định, vì trong thời gian tới sẽ còn khá nhiều ẩn số, đặc biệt các quyết định của FED trong cuộc họp tháng 5 tới.

Thị trường chứng khoán thường biến động ra sao trong tháng 4: Lịch sử lặp lại?
Diễn biến VN-Index T4/2023

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán