Thị trường chứng khoán Việt Nam có thanh khoản cao thứ hai trong khu vực ASEAN

25/05/2022 - 17:08
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Lợi nhuận từ cổ phiếu của Việt Nam vẫn vững vàng đáng kể trong vài năm qua, thậm chí còn tăng trong năm 2020 đúng thời điểm COVID-19 xuất hiện. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) tăng trưởng 35% trong năm 2021. Giao dịch thời gian gần đây vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày, gấp 10 lần mức cách đây hai năm, khiến Việt Nam trở thành thị trường có thanh khoản cao thứ 2 trong khối ASEAN, chỉ sau Thái Lan.

Hình minh họa họa- Ảnh chụp màn hình

Nhiều thay đổi lớn trên thị trường chứng khoán

Trong báo cáo đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam vừa công bố, các chuyên gia thuộc Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC đánh giá, trong vòng 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực với quy mô thị trường tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch gần đây vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày.

 

Các chuyên gia của HSBC cho rằng, có nhiều lý giải hợp lý cho kết quả này, một trong số đó là nỗ lực tạo ra tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu năm 2020 trong khi các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Năm 2021, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam.

Tính đến năm nay, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn một chút so với các thị trường khác. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém sôi động của thị trường này không chỉ do lãi suất trái phiếu USD cao hơn và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc, mà còn bởi, việc xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường chứng khoán đối với một số doanh nghiệp lớn cũng ít nhiều gây ra tác động lên tâm lý thị trường.

 

"Điểm đáng nói ở đây là khi nhắc tới tăng trưởng và lợi nhuận thì Việt Nam đã và đang trên đà thắng lợi. Và câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị - tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên", HSBC nhấn mạnh.

Số người tìm việc ở các nhà máy mới tăng lên trên khắp cả nước, họ có thu nhập ổn định, lương cao hơn và có tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc khoản vay thế chấp. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu của thị trường chứng khoán. Trong khi các công ty thuộc nhóm tiêu dùng từng thống trị trong năm 2015 thì ngày nay các mã tài chính và bất động sản lại chiếm phần lớn trên thị trường.

 

Trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu tập trung xoay quanh một vài cổ phiếu lớn. Giờ tình hình đã khác. Năm 2013, năm cổ phiếu đứng đầu chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường; tới năm 2022, con số này chỉ còn 25%. Nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường giờ đây chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch. Con số này tương đối thấp.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường này không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài mà là trong nước. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản cá nhân tăng hơn hai lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.

 

Các nhà đầu tư trong nước chiếm 87% tổng giao dịch trên thị trường trong khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 13%. Trên thực tế, thời điểm những nhà đầu tư cá nhân này tham gia thị trường cũng là lúc các nhà đầu tư nước ngoài rút đi (tình hình này vẫn còn tiếp diễn, ít nhất là trong 27 trong 33 tháng vừa qua). Trong vài tuần vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại.

Kết quả của đợt gia tăng số lượng nhà đầu tư trong nước này là giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tăng gấp mười lần, gần đây vượt mốc 1 tỷ USD, tương đương 10 lần giá trị giao dịch trung bình ngày đầu năm 2020 (ở mức 100 triệu USD).

 

Đây là một kết quả đáng lưu ý đối với một thị trường vốn thường bị coi là nhỏ và thanh khoản kém. Trên thực tế, thị trường Việt Nam có mức độ thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, giờ đây còn vượt qua cả Singapore và Indonesia.

Giới hạn sở hữu nước ngoài đã không thực sự còn là một hạn chế

Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong các nội dung thảo luận về các cổ phiếu của Việt Nam là trần sở hữu nước ngoài (Foreign ownership limits – FOL). Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua tối đa hạn mức cho phép, họ chỉ có thể mua bán với nhau và sẽ hình thành mức giá của khối ngoại, hoàn toàn độc lập với giá của trong nước.

Tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VN-Index là 44%, trong đó khối ngoại hiện tại nắm giữ chưa tới một nửa giới hạn sở hữu, ở mức 20%.

 

Rõ ràng, con số này chưa tính tới khả năng khối ngoại không quan tâm tới một số cổ phiếu – có thể do những mã này quá nhỏ hoặc thanh khoản quá kém – và phần nào lý giải nguyên nhân tỷ lệ sở hữu nước ngoài chưa đạt tới giới hạn.

Tuy nhiên, tình hình đó có thể sẽ không tiếp diễn. Trong 30 mã thuộc rổ cổ phiếu VN30 Index, 7 mã đã đạt giới hạn sở hữu nước ngoài, trong khi 12 mã có mức vốn hóa thị trường trên 5 tỷ USD và 14 mã có giá trị thanh khoản trên 10 triệu USD/ngày. 8 công ty đã tăng mức sở hữu nước ngoài kể từ năm 2019. Nói một cách ngắn gọn, mức sở hữu nước ngoài trong hầu hết các trường hợp không còn là yếu tố cản trở khối ngoại mua vào.

Các Quỹ hoán đổi danh mục (Exchanged Traded Fund – ETF) cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận các công ty hạn chế room nước ngoài. Tuy nhiên, giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) ghi nhận giá trị chỉ ở mức 600 triệu USD cho cả năm 2021, còn năm 2022 tới nay ở mức 275 triệu USD. Còn xa mới tới mức 0,5% tổng giá trị giao dịch của cả thị trường.

Tiềm năng gia nhập chỉ số các thị trường mới nổi

Với sự phát triển hiện nay, HSBC đánh giá Việt Nam đang trên hành trình hướng đến vị thế thị trường mới nổi. Tuy nhiên, để được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM), Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện. Các vấn đề chính nổi cộm là giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và còn nhiều hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch.

 

Các vấn đề này sẽ được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp. Năm 2019, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường. Bộ luật này có hiệu lực từ năm 2021, có một số điểm mới trong đó bao gồm một hệ thống thanh toán - bù trừ giao dịch dưới mô hình Đối tác Bù trừ Trung tâm (Central Counter Party – CCP) và Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting Depositary Receipt - NVDR). NVDR cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm tình hình của những mã cổ phiếu đã hết room sở hữu nước ngoài mà không cần tham gia vào việc ra các quyết định của doanh nghiệp.

Hệ thống giao dịch mới KRX (hệ thống công nghệ mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cung cấp) được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống mới sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày và NVDR cũng như hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế.

Theo HSBC, tất cả thay đổi này có thể giải quyết phần lớn những mối bận tâm của các nhà cung cấp chỉ số, kết quả là tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên EM, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu thì Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).

Việc lọt vào danh sách xem xét của MSCI có thể dẫn đến việc nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ gia tăng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt.

Theo: