Thị trường dệt may năm 2024: Người trong ngành nói gì?

10/01/2024 - 22:52
(Bankviet.com) Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chia sẻ về diễn biến thị trường dệt may thế giới năm 2024 với nhiều yếu tố tác động.
Bất chấp khó khăn, năm 2023 Vinatex đạt doanh thu hợp nhất 104,4% Năm 2024, đơn hàng dệt may sang thị trường Mỹ sẽ khởi sắc?

Cộng hưởng nhiều khó khăn

Năm 2023 là năm đỉnh điểm khó khăn của doanh nghiệp dệt may trong nước, nhất là với doanh nghiệp ngành sợi. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cả ngành đạt 40 tỷ USD, giảm 10%, thậm chí giảm sâu hơn năm 2020 (8%)- cao điểm của dịch Covid-19.

Ông Vương Đức Anh- Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay: Tổng cầu dệt may của thế giới năm 2023 giảm 11% xuống còn 670 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Viêt Nam cũng giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 20%, Trung Quốc giảm 10%, riêng thị trường Nhật Bản giữ được nhu cầu so với năm ngoái, tương ứng với đó xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này không bị giảm kim ngạch.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu hàng dệt may với Việt Nam cũng trong tình cảnh tương tự, Trung Quốc giảm 8%, Ấn Độ giảm 13%, riêng Bangladesh chỉ giảm nhẹ so với năm trước.

Năm 2023 ngành dệt may gặp nhiều yếu tố bất lợi cộng hưởng. Chi phí lương của Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc và cao hơn 3 lần so với Bangladesh, 2 lần Ấn độ và gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành”, ông Vương Đức Anh nói.

“Rất khó dự báo diễn biến thị trường dệt may năm 2024”
Thị trường dệt may năm 2024 còn nhiều biến động

Bên cạnh đó, tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm trong khi NDT của Trung Quốc giảm giá 5%, Taka Bangladesh giảm 5,9%, Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%.

Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra nhiều bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%”, ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Cùng với đơn giá giảm sâu, khách hàng còn yêu cầu đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, chỉ khoảng 10 – 14 ngày, trong khi trước đây là 40 ngày với hàng CM, 70 ngày với hàng FOB… đã tạo ra nhiều áp lực đối với doanh nghiệp.

Rất khó dự báo diễn biến thị trường

Về diễn biến thị trường năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng rất khó dự báo. Do vậy mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm 2024 chỉ mang tính thời điểm và có thể thay đổi kế hoạch khi thị trường ấm lên. Với ngành may ngay từ tháng 1/2024 đơn hàng đã có sự khởi sắc nhưng ngành sợi vẫn còn rất ảm đạm và chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn.

Về thị trường xuất khẩu của ngành trong năm nay, ông Vương Đức Anh cho rằng cơ bản không có gì thay đổi. Mỹ, EU… vẫn là thị truyền thống và chủ đạo, những thị trường mới như UAE… doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác nhưng quy mô nhỏ chỉ khoảng 6-7 tỷ USD. Do vậy, bắt buộc phải duy trì thị trường truyền thống.

Cũng theo ông Vương Đức Anh, có khả năng thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam sẽ “đỡ khó” hơn so với năm trước. Trong đó, Mỹ tháng 11/2024 diễn ra cuộc bầu cử, trước đó sẽ có biến chuyển lớn, FED cam kết hạ lãi suất 3 lần với tổng mức giảm 0,75%. Nếu hạ lãi suất diễn ra nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sẽ quay trở lại từ nửa cuối năm 2024. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ đây là thị trường có sức mua lớn, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Thị trường EU hy vọng có thay đổi lớn về mặt chính sách, dự báo GDP năm 2024 tăng dưới 1% dù không lớn nhưng đây là con số tích cực so với năm 2023 giảm.

Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn năm 2023 nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7/2024, giá điện có thể biến động, thị trường nguyên liệu còn nhiều yếu tố chưa dự báo được. Cùng đó là áp lực từ chuyển đổi sang sản xuất xanh với rất nhiều chi phí.

Trong bối cảnh hiện nay không cách nào khác doanh nghiệp phải chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường để có ứng phó phù hợp. Đồng thời, linh hoạt triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu”, ông Cao Hữu Hiếu nói.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương