Thị trường hàng hóa: Giá đậu tương tiếp đà lao dốc Đồ gia dụng LocknLock đẩy mạnh nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam Thị trường đồ gia dụng thông minh bùng nổ mạnh |
Cuộc 'đua' chất lượng và niềm tin khách hàng
Người tiêu dùng ngày nay sẵn sàng chọn đồ gia dụng cũ nếu sản phẩm còn tốt và có kiểm định chất lượng, nhất là khi giá thành thấp hơn từ 30% đến 50% so với hàng mới.
Chị Phạm Thị Bích (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau khi tìm được một chiếc tủ lạnh ưng ý cho gia đình trong một khu chợ đồ cũ nằm trên địa bàn huyện Đông Anh chia sẻ, với 15 triệu đồng, chị có thể mua được cả tủ lạnh và máy giặt cũ, thay vì chỉ một sản phẩm mới.
![]() |
Chợ đồ cũ Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) bày bán nhiều sản phẩm giá rẻ thu hút đông khách. Ảnh: Minh Tiến |
Tại Hà Nội, thị trường đồ gia dụng cũ ngày càng sôi động với sự góp mặt của hàng loạt cửa hàng mới, bên cạnh những chợ truyền thống như chợ Trời (Hoàn Kiếm), chợ đồ cũ Vạn Phúc (Hà Đông). Tuy nhiên, không phải cửa hàng kinh doanh nào cũng trụ vững trong môi trường cạnh tranh. Ngoài giá cả hợp lý, khách hàng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và chính sách bảo hành.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Chợ đồ cũ Thưởng Thưởng chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương: “Kinh doanh đồ cũ hiện nay không chỉ là bài toán giá cả. Khách hàng cần một sản phẩm đảm bảo công năng, giá cả hợp lý và đặc biệt quan tâm đến chính sách bảo hành, bảo trì”.
Những đơn vị đầu tư vào kiểm định sản phẩm và cam kết bảo hành dài hạn đang chiếm lợi thế, trong khi những cửa hàng không đảm bảo điều này dễ mất niềm tin từ khách hàng.
"Ngoài ra, việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nhiều cửa hàng còn đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến để tiếp cận khách hàng tốt hơn. Hoạt động livestream bán hàng, đăng bài giới thiệu sản phẩm trên TikTok, Facebook, Zalo giúp tăng cường sự minh bạch và củng cố niềm tin từ người tiêu dùng", anh Mạnh chia sẻ thêm.
![]() |
Tivi, tủ lạnh, máy giặt cũ - những mặt hàng được săn lùng tại chợ đồ cũ Hà Nội. Ảnh: Minh Tiến |
Tiềm năng nhưng đầy thách thức
Bên cạnh lợi ích kinh tế, mua đồ gia dụng cũ còn giúp giảm lượng rác thải điện tử - một vấn đề môi trường đáng báo động tại Việt Nam.
Theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu từ đồ gia dụng và văn phòng. Nếu không có biện pháp tái chế hiệu quả, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, hạn chế hàng kém chất lượng trôi nổi, các cơ quan quản lý đã đưa ra một số quy định kiểm soát thị trường đồ cũ. Theo Thông tư 12/2018/TT-BCT, một số mặt hàng đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu để giảm rủi ro về chất lượng. Đồng thời, Quyết định 18/2019/QĐ-TTg cũng yêu cầu thiết bị điện tử cũ nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tuổi thọ và an toàn.
Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số cửa hàng nhỏ lẻ chưa đảm bảo nguồn gốc và chính sách bảo hành, làm suy giảm niềm tin của khách hàng. Để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, cần có cơ chế kiểm định chất lượng chặt chẽ hơn, cũng như cấp chứng nhận uy tín cho các đơn vị kinh doanh đồ cũ.
Muốn thị trường đồ gia dụng cũ phát triển minh bạch, bền vững, cần sự đồng hành của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người tiêu dùng. Khi mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng này làm tốt vai trò của mình, đồ gia dụng cũ không chỉ là lựa chọn kinh tế mà còn là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. |