Cơ cấu lại thị trường du lịch: Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thị trường du lịch đã ấm lên |
Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tháng 7 và 7 tháng năm 2023 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, trong tháng 7/2023, cả nước đã đón hơn 1,038 triệu lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng 6. Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Theo thống kê, tính chung 7 tháng của năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.
Thị trường du lịch cuối năm hứa hẹn đón nhiều lượt khách quốc tế - Ảnh: Khôi Nguyên |
Mặc dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được mức như trước đại dịch. Bởi vậy, Việt Nam cần có những chiến lược đột phá để tăng sức cạnh tranh và đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt vào dịp cuối năm 2023.
Thường sau đợt cao điểm hè dành cho khách nội địa, từ giữa tháng 8 đến tháng 4 năm sau được xem là thời điểm “gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch, khi lượng khách quốc tế sẽ tăng cao. Nắm bắt được điều này, các doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị đa dạng phương án, như xây dựng các sản phẩm tour dài ngày, các sản phẩm du lịch mới hay xây dựng các tour liên tuyến để hút khách quốc tế…
Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Ngọc Việt (Ngọc Việt Travel) chia sẻ, thời gian qua, bên cạnh những tour liên quốc gia như: Thái Lan - Malaysia - Singapore hay Âu - Úc - Mỹ, Hàn Quốc - Nhật Bản… đơn vị này đã xây dựng các tour trọn gói trong nước (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) và nhiều tour khuyến mại hấp dẫn.
Không chỉ có các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương cũng đẩy mạnh việc tổ chức tour và rất chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm thu hút khách quốc tế. Nhiều nơi đang đẩy mạnh hoạt động kết nối, quảng bá du lịch địa phương.
Mới đây, lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hoạt động quảng bá du lịch tại Bangkok (Thái Lan) và Phnompenh (Campuchia). Đại diện Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là một trong những địa phương có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi với nước bạn Campuchia, cùng với chính sách miễn thị thực cho các thành viên của khối ASEAN. TP. Hồ Chí Minh – Phnompenh, sẽ là điểm đến quen thuộc của khách du lịch của hai quốc gia.
Trong những tháng cuối năm 2023, du lịch Hà Nội cũng chờ đợi sự bùng nổ khi diễn ra chuỗi các sự kiện như: Cuộc thi ảnh du lịch, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, Festival Áo dài Hà Nội... Thông qua những chương trình này, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour để thu hút khách quốc tế.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng bản đồ Foodtour cho khách trải nghiệm lâu khi đến Hà Nội. Bên cạnh đó, sở còn chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch golf cùng nhiều tour du lịch trải nghiệm mới kết nối nội thành và ngoại thành…
Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2023, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cải thiện ở một số lĩnh vực để tối đa hóa tiềm năng du lịch. Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành. Song song với đó, cơ sở hạ tầng, kể cả hệ thống đường cao tốc, đường sắt, đường bộ cũng phải đáp ứng được sự phát triển của du lịch. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn cao cấp như: Du thuyền, du lịch MICE, du lịch golf…
Bên cạnh đó, cần triển khai các chương trình truyền thông, quảng bá tiếp thị quốc tế với quy mô lớn, đa dạng, tận dụng các kênh truyền thông số, mạng xã hội có tính lan tỏa cao. Đặc biệt, tăng cường các đường bay kết nối Việt Nam với các thị trường trọng điểm, nhằm “kéo” khách quốc tế đến Việt Nam.
Khôi Nguyên