Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 16/5: Chỉ số giá hàng hóa MXV-Index hồi phục về mức cao nhất Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 3/6: Chỉ số giá hàng hoá MXV-Index giảm 3 ngày liên tiếp |
Lực bán có phần áp đảo, kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,64% xuống 2.300 điểm, thấp nhất trong gần 3 tuần trở lại đây, đồng thời nối dài chuỗi giảm sang ngày thứ 4 liên tiếp.
Giá đậu tương giảm 6 ngày liên tiếp
Kết thúc ngày 3/6, giá đậu tương đóng cửa phiên thứ 6 liên tiếp trong sắc đỏ với mức giảm 1,7%. Kỳ vọng của thị trường vào vụ đậu tương của Argentina sắp được thu hoạch là nguyên nhân chính tạo sức ép tới giá.
Bảng giá Nông sản |
Tại Argentina, Sở giao dịch ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) vẫn duy trì dự báo sản lượng đậu tương năm nay của nước này ở mức 50,5 triệu tấn. Hơn nữa, cơ quan thời tiết quốc gia nước này cho biết, lượng mưa giảm dưới mức trung bình tại khu vực phía Tây của Argentina trong ba tháng tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đậu tương. Điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại của thị trường về mùa vụ tại Brazil đang bị ảnh hưởng do lũ lụt ở một số khu vực vài tuần qua.
Ngoài ra, theo báo cáo Export Inspections tối qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết quốc gia này đã xuất khẩu 348.644 tấn đậu tương niên vụ 2023 - 2024 trong tuần từ 24-30/5, cao hơn so với mức 221.997 tấn được ghi nhận trong tuần trước đó. Trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm của Brazil, việc khối lượng giao hàng tăng 2 tuần liên tiếp đã phản ánh nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang dần được cải thiện và phần nào thu hẹp đà giảm của giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong hôm qua (3/6), giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về cảng nước ta điều chỉnh giảm nhẹ. Tại cảng Cái Lân, khô đậu kỳ hạn giao quý III năm nay dao động trong mức 6.500 – 6.550 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao hàng quý IV, khô đậu tương Nam Mỹ được chào bán quanh mức giá 6.600 – 6.750 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn 50 – 100 đồng so với cảng Cái Lân.
Giá dầu xuống mức thấp nhất 4 tháng
Đóng cửa ngày 3/6, giá dầu đánh mất 3 USD/thùng xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng, do các nhà đầu tư lo ngại quyết định sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) có thể dẫn đến nguồn cung cao hơn vào cuối năm mặc dù tăng trưởng nhu cầu đã chậm lại. Chốt ngày, dầu WTI giảm về mức 74,22 USD/thùng, dầu Brent giảm còn 78,36 USD/thùng.
Bảng giá Năng lượng |
Cụ thể, trong cuộc họp trực tuyến của OPEC+ vào Chủ nhật tuần vừa qua, OPEC+ đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025 và kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng cho đến cuối tháng 9 năm 2024.
OPEC+ sẽ dần dần loại bỏ việc cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong suốt 1 năm từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025, sớm hơn dự kiến của một số nhà quan sát, khiến thị trường lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa vào cuối năm trong khi nhu cầu có xu hướng chững lại.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết cuộc họp của OPEC+ mang đến tín hiệu giảm giá bất chấp việc gia hạn cắt giảm sản lượng, vì một số quốc gia đã báo hiệu việc ngừng dần các đợt cắt giảm tự nguyện bổ sung.
Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng dầu thô của OPEC vẫn ổn định trong khi các thành viên chủ chốt Iraq và UAE tiếp tục sản xuất vượt mức hạn ngạch. Cụ thể, OPEC đã sản xuất trung bình 26,96 triệu thùng/ngày vào tháng 5, nhiều hơn khoảng 60.000 thùng so với tháng 4.
Trong đó, Iraq đã bơm 4,24 triệu thùng mỗi ngày trong tháng Năm, nhiều hơn một chút so với tháng trước và cao hơn khoảng 290.000 thùng so với mục tiêu quy định. UAE, quốc gia mong muốn triển khai năng lực sản xuất mới, đã bơm 3,13 triệu thùng/ngày vào tháng trước, cao hơn khoảng 218.000 thùng so với mục tiêu.
Ngoài ra, các áp lực vĩ mô cũng đang có xu hướng làm giảm kỳ vọng tiêu thụ dầu mỏ và đè nặng lên giá, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ. Theo Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của nước này trong tháng 5 đạt mức 48,7 điểm, tháng thu hẹp thứ hai liên tiếp. Số liệu công bố trái ngược với dự báo tăng lên mức 49,8 điểm từ 49,2 điểm trong tháng 4.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá kim loại |