Thị trường ô tô tháng 4 tăng trưởng 40% Thị trường ô tô tăng trưởng mạnh, hơn 53 nghìn xe chào khách |
Tiêu thụ giảm
Báo cáo cập nhật của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: tháng 4, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô chỉ đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với tháng 3/2022 (xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước).
Trong đó, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng 3/2023.
Lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa |
Không chỉ tháng 4, báo cáo của VAMA cũng cho biết một thực tế buồn: 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với 2022 (lắp ráp trong nước giảm 39%; nhập khẩu giảm 16%). Cụ thể hơn theo từng phân khúc thì xe ô tô du lịch giảm 35%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 58%.
Tồn kho tăng
Thông tin từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao, lượng xe tiêu thụ suy giảm mạnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất tăng cao, tỷ giá, lạm phát, nhu cầu yếu...
Tuy nhiên cũng có một nguyên nhân khác chưa được chỉ ra là sự tính toán của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô có phần lạc quan sau kết quả “thắng lợi” của năm 2002 với trên 400 nghìn xe.
Đơn cử như đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, tháng 3/2023, cả nước nhập khẩu 15.228 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 355,4 triệu USD, tăng 23,2% về lượng, tăng 36,8% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung cả quý 1, cả nước nhập khẩu 42.002 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 925,5 triệu USD, tăng 76,9% về lượng và tăng 64,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang tháng tháng 4/2023, số lượng tuy đã giảm nhưng cả nước cũng vẫn nhập khẩu tới 12.323 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 288 triệu USD. Nửa đầu tháng 5, lượng ô tô nguyên chiếc tiếp tục giảm nhanh, cả nước chỉ nhập khẩu 3.257 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 88 triệu USD.
Có thể thấy, mặc dù nhận thấy tình hình tiêu thụ chậm các doanh nghiệp đã điều tiết, nhưng xem ra tốc độ “phanh” vẫn không kịp với đà tiêu thụ giảm của thị trường.
4 tháng đầu năm cả nước đã kịp nhập khẩu 54.344 xe, kim ngạch hơn 1,2 tỷ USD, tăng 47,2% về lượng và tăng 33,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở mảng sản xuất lắp ráp cũng cho thấy, các doanh đã “phanh” không kịp trước đà tiêu thụ giảm của thị trường. Lượng xe tiêu thụ của các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô đều giảm mạnh.
Đơn cử như Hyudai Thành Công, tháng 4/2023, tổng số xe bán ra đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3/2023 bán được 5.773 chiếc. Nếu tính cả chuỗi từ tháng 11/2022 tới nay, doanh số bán xe của Hyundai liên tục giảm mạnh.
“Trông” vào thuế phí
Như thông lệ, mỗi khi kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gặp khó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô lại “trông” vào sự hỗ trợ của Chính phủ với giải pháp chính là giảm thuế, phí
Mới đây, VAMA và các địa phương có nhà máy sản xuất ô tô lớn đã kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho ngành ô tô, trên cơ sở tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ủng hộ đề xuất này, cho rằng doanh nghiệp sản xuất ô tô hiện gặp rất nhiều khó khăn, có doanh nghiệp đứng trước sự sống còn mà không có sự hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp có thể không giữ ổn định được sản xuất, Bộ Công Thương đề nghị giảm phí trước bạ 50% trong năm 2023.
Về vấn đề này, cuối tháng 4/2023, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, với lo ngại trong việc cân đối ngân sách của nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế…, đã kiến nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô trong nước.
Tuy nhiên cơ quan này cũng trình 2 phương án để Thủ tướng quyết định. Đó là giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ chỉ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp mà ảnh hưởng ít đến ngân sách, bộ này cũng bày tỏ quan điểm “ủng hộ” việc gia hạn nộp thuế TTĐB.
Theo Bộ Tài chính, hiện sản lượng và số thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm dần.
Cụ thể, từ tháng 10/2022 sản lượng kê khai là 25.571 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.884 tỷ đồng, đến tháng 11/2022 sản lượng kê khai là 23.658 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.412 tỷ đồng, giảm 472 tỷ đồng so với tháng trước; tháng 12/2022 số thuế TTĐB phát sinh là 3.218 tỷ đồng, giảm 194 tỷ đồng so với tháng trước; tháng 1/2023 số thuế TTĐB phát sinh là 1.442 tỷ đồng, giảm 1.776 tỷ đồng so với tháng trước, với sản lượng kê khai tương ứng là 9.766 xe.
Vì vậy việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh là cần thiết. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào NSNN (khác với đề xuất ưu đãi giảm lệ phí trước bạ).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng lo ngại, nếu tiếp tục việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan các quy định về đối xử quốc gia của WTO và các FTA. Do đó, thời gian áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không nên kéo dài.
Như vậy việc chỉ dựa vào hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến thuế, phí để “cứu” DN sản xuất kinh doanh ô tô chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc lựa chọn sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng chất lượng dịch vụ… để đáp ứng nhu cầu khách hàng mới là giải pháp hiệu quả và thiết thực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.