Bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan - cho biết, tháng 8/2023 xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt trên 47 triệu USD, tăng 25,53% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nước này đạt trên 262 triệu USD, giảm 40,31% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 8, kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Pakistan đạt trên 36,6 triệu USD, tăng 137,66% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 164 triệu USD, giảm 29,29% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan đã tăng hơn 250% trong năm 2022 và Việt Nam trở thành thị trường cung cấp sản phẩm quế lớn thứ hai cho Pakistan |
Cũng theo thông tin từ Thương vụ, Pakistan có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ các mặt hàng nông sản truyền thống như: Chè, hạt tiêu, hạt điều, phi-lê cá tra... đến các mặt hàng tiêu dùng như: Quần áo, giầy dép)hay là các mặt hàng mới có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như: Điện thoại di động, máy giặt, máy in...
Đơn cử, đối với sản phẩm quế, bà Nguyễn Thị Điệp Hà cho biết, năm 2022 Pakistan nhập khẩu khoảng 7 nghìn tấn trị giá hơn 15 triệu USD. Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới hơn 95%. Đứng thứ hai là Việt Nam nhưng thị phần chỉ được hơn 4%. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan đã tăng hơn 250% trong năm 2022 so với năm 2021, đạt 310 tấn trị giá 0,665 triệu USD.
“Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu để dùng làm gia vị nên ưa chuộng loại quế vỏ mỏng, giá rẻ, hàm lượng tinh dầu thấp. Thuế nhập khẩu quế vào Pakistan là 3% đối với quế thô và 11% đối với quế đã qua chế biến”, bà Nguyễn Thị Điệp Hà thông tin và cho biết thêm, quế nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận Halal. Quế đã qua chế biến phải có thêm giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với quế, hoa hồi Việt Nam chiếm 1% thị phần và thảo quả chiếm 5,8% thị phần tại Pakistan. Quốc gia này nhập khẩu hoa hồi và thảo quả cũng chủ yếu làm gia vị do đó ưa chuộng loại giá rẻ, ít tinh dầu và cần có các chứng nhận tương như với quế và sản phẩm từ quế.
Trong số các thị trường xuất khẩu của chè Việt Nam, Pakistan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng gần 41% về khối lượng |
Tương tự, đối với mặt hàng chè, trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu chè của cả nước thu về hơn 121,8 triệu USD, đạt 70,9 nghìn tấn, trị giá 121,9 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 16,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các thị trường xuất khẩu của chè Việt Nam, Pakistan là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với tỷ trọng gần 41% về khối lượng.
Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu chè sang các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan và Nga vẫn trong xu hướng giảm, bởi kinh tế các nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thiếu ngoại tệ của Pakistan khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thêm vào đó, hiện nay, cơ quan hải quan Pakistan quy định tất cả các lô hàng nhập khẩu tồn đọng trong cảng quá thời hạn 30 ngày sẽ bị đưa vào danh sách tịch thu bán đấu giá.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu mặt hàng chè nói riêng của Việt Nam tới thị trường Pakistan cần lưu ý đối với các lô hàng bị chậm thanh toán, đặc biệt là quá thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm hàng đến cảng Karachi cần báo cho Thương vụ Việt Nam tại Pakistan để phối hợp xử lý, không để phát sinh chi phí và tiền phạt của cảng và hãng tàu và bị cơ quan hải quan Pakistan tịch thu bán đấu giá”, Thương vụ lưu ý.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà, Pakistan là thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động... Song hiện nay, tình hình an ninh, chính trị tại Pakistan rất phức tạp, và đang có nguy cơ phức tạp hơn nữa. Thêm vào đó, điều kiện đi lại giữa Việt Nam và Pakistan chưa thuận tiện, sự khác biệt về văn hóa... là những nhân tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam đi Pakistan khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Do vậy, để mở rộng thị phần xuất khẩu hàng hóa vào Pakistan, Thương vụ Việt Nam tại nước này khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường, quảng bá giới thiệu hàng hóa, tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế.
Tuy nhiên, Thương vụ lưu ý, các doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế; tham gia vào các diễn đàn doanh nghiệp, các buổi giao thương trực tiếp hay qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại.
Riêng đối với sản phẩm nông sản như: Cây gia vị, hương liệu, chè... bà Nguyễn Thị Điệp Hà khuyến cáo, các cơ quan trong nước khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển vùng trồng với các loại cây này để giữ ổn định sản lượng cung ứng; thành lập các hội và chi hội ngành hàng tại các địa phương để tránh bị ép giá.
Đáng chú ý, để tránh bị lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan khuyến nghị doanh nghiệp trong nước cần chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật của nguồn nhân lực làm ngoại thương để đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới sự bền vững.
Khánh An