Phát triển ngành thép Việt Nam theo hướng nào? Thị trường thép nội đã vượt qua vùng “đáy”? Năm 2025: Thị trường thép chờ cú huých từ đầu tư công |
Điểm tựa từ thị trường nội địa
Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép năm 2025 dự báo đạt lần lượt 32,9 triệu tấn, tăng 12% và 32,5 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2024 nhờ tăng trưởng giá trị xây dựng dân dụng và tồn kho ngành thấp. Tăng trưởng bán hàng nội địa và xuất khẩu là 14% và 3%.
![]() |
Ngành thép dự kiến được hưởng lợi nhờ xu hướng đẩy mạnh đầu tư công. Ảnh: Đức Duy |
Theo đánh giá mới đây của SSI Research, nhu cầu thép nội địa trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng trưởng 10% so với năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể với số lượng căn mở bán mới trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm 2023.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu về thép. Các dự án hạ tầng lớn trong dài hạn, gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Đông - Tây; các sân bay và cảng biển trọng điểm như Cảng Cần Giờ tại TP.Hồ Chí Minh, Cảng Nam Đồ Sơn tại Hải Phòng; dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam dự báo, có thể trong tháng 3/2025 bước vào mùa xây dựng, nhu cầu tăng mạnh lên thì giá một số vật liệu như sắt thép, xi măng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào đầu ra, cũng như tùy thuộc vào giá nguyên liệu sản xuất đầu vào.
“Nhu cầu thép 6 tháng đầu năm 2025 sẽ tăng nhưng vẫn chưa mạnh, giá tăng hay giảm tuỳ thuộc vào sự biến động giá cả của nguyên vật liệu đầu vào, nhưng từ những phân tích và dấu hiệu tích cực trên; 6 tháng cuối năm 2025 nhu cầu thép và các loại vật liệu xây dựng khác cho thấy có thể tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2024 và giá có thể tăng lên so với hiện nay” - TS. Thái Duy Sâm nhận định.
Đối với thép xây dựng, nhu cầu thép dự báo tăng mạnh nhờ cả đầu tư công và bất động sản phục hồi. Giá thép có thể tăng khoảng 7% khi áp lực từ nguồn cung Trung Quốc giảm. Hòa Phát (HPG) với thị phần thép xây dựng lớn nhất sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi.
Nhìn nhận về thị trường thép, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, quý II/2025 sẽ bước vào mùa xây dựng cao điểm, đây là yếu tố hạn chế đà suy yếu của giá và giữ cho mặt bằng giá thép ổn định trong ngắn hạn.
Ứng phó tốt với các biến động của thị trường
TS. Thái Duy Sâm cho biết, mấy năm gần đây, Chính phủ có rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Cùng với đó, một số luật mới có hiệu lực như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… cùng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng đã có dấu hiệu tích cực tác động đến thị trường bất động sản, đây là cơ hội để cho ngành vật liệu xây dựng có thể tăng tiêu thụ sản phẩm. Năm 2025, Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, với những lý do như vậy, hy vọng năm nay ngành vật liệu xây dựng sẽ có cơ hội để khởi sắc.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) đưa ra mức dự báo lạc quan nhưng thận trọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu năm 2025, dự kiến đạt 1.771,5 triệu tấn, tăng trưởng 1,2% so với năm 2024. Theo một số dự báo, nhận định khác, diễn biến và xu hướng giá trên thị trường thép thế giới năm 2025 sẽ bị tác động bởi nhiều nhân tố khó đoán định, gây khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong việc nhận định, đánh giá thị trường để chuẩn bị kế hoạch nguyên vật liệu cho sản xuất.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, năm 2025, thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ không chỉ gặp khó khăn từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại, mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc -quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nằm ngay cạnh khu vực ASEAN. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn đưa vào hoạt động các nhà máy thép mới khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường khu vực ASEAN càng tăng cao.
“Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tạo điều kiện để tái khởi động các dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà ở thương mại, phát triển dự án mới”- ông Phạm Công Thảo nói.
Bên cạnh đó, có thể kể đến dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án xây dựng sân bay Long Thành và loạt dự án phát triển nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh và đẩy nhanh tiến độ. Điều này dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó có sắt thép tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy giá thép lên trong thời gian tới.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần vận dụng các cơ chế phòng vệ thương mại trong WTO nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thép nhập khẩu, ngăn chặn tình trạng bán phá giá thép nhập khẩu trên thị trường, tạo điều kiện lành mạnh hóa thị trường thép trong nước.
Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó, thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí...
Việt Nam vẫn đang trong quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, điều này thúc đẩy nhu cầu về thép xây dựng. Các dự án lớn như đường sắt cao tốc, cảng biển, khu đô thị mới sẽ là động lực chính. Ngành thép Việt Nam dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định khoảng 5 - 7% mỗi năm, nhờ vào nhu cầu nội địa và xuất khẩu. |