Thị trường thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước

17/11/2022 - 20:01
(Bankviet.com) TP. Hồ Chí Minh là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến cả nước.
Giảm tối đa gánh nặng chi phí cho các sàn thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử lớn nhất nước

Sáng 17/11, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh năm 2022”.

Thị trường thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương có thị trường hoạt động thương mại điện tử sôi động, thuộc loại lớn nhất nước, chiếm 47,7% tổng số tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước.

Thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.

Thị trường thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước
Tham dự hội nghị có Lãnh đạo các Sở Công Thương tỉnh, thành, đại diện các Sở ban ngành trên địa bàn cùng hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh, thành

Thời gian qua các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng web và nền tảng di động. Các ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử gồm thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM,…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động…

Cần tháo gỡ vướng mắc, có giải pháp mới thúc đẩy thương mại điện tử

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, ông Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn hạn chế, nhất là trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và các chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết (của người bán), làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Mặt khác, sự tăng trưởng và phát triển thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đặt ra trong công tác quản lý nhà nước nhất là trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của thành phố.

Thị trường thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam trình bày tham luận về “Thực trạng hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”.

Do đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh mong muốn thông qua hội nghị, việc trao đổi, thảo luận, phản biện các chính sách, giải pháp từ các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ cung cấp những thông tin hữu ích giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc của doanh nhiệp trong quá trình phát triển thương mại điện tử của doanh nghiệp, nhằm đề ra các chính sách phù hợp hơn trong quá trình quản lý.

Tại hội nghị chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thương mại điện tử đã có những trình bày, chia sẻ về xu hương tiêu dùng, cũng như thực trạng hoạt động thương mại điện tử.

Thị trường thương mại điện tử TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) giải đáp thắc mắc liên quan đến phát triển thương mại điện tử tại hội nghị

Các tham luận cũng chỉ rõ xu hướng tiêu dùng của người dân tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và người tiêu dùng cả nước nói chung đã có sự thay đổi rõ rệt, hướng đến thị trường tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Đồng thời thấy rõ những thách thức, khó khăn trong việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay.

Đặc biệt, tại hội nghị đã diễn ra phần thảo luận giữa đại điện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia để cùng nhau tháo gỡ thắc mắc, cung cấp những giải pháp nhằm thức đẩy tương mại điện tử và người tiêu dùng.

Qua phần trao đổi, các đại biểu tại hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp, tháo gỡ những khó khăn nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử như: Thông qua kết nối cung cầu trực tuyến, xây dựng giải pháp đẩy nhanh quá trình kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống và kênh trực tuyến… Qua đó, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương