Năm 2023 là năm có lượng TPDN đáo hạn lớn nhất từ trước đến nay
Báo cáo “Thị trường trái phiếu năm 2023” vừa được CTCK VNDirect công bố cho thấy, năm 2023 là năm có lượng TPDN đáo hạn lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn là khoảng hơn 213 nghìn tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với tổng giá trị đáo hạn trong năm 2022 (số liệu đã loại trừ lượng TPDN được mua lại trước hạn và lượng TPDN được gia hạn kỳ hạn).
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Kể từ quý IV/2022 danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ TPDN đã liên tục tăng lên. Theo số liệu tổng hợp của VNDirect, tính đến cuối năm 2023, có khoảng hơn 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN.
“Chúng tôi ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này là khoảng hơn 172 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ TPDN toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm BĐS”, báo cáo của VNDirect viết.
Báo cáo cũng cho biết, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu diễn ra sôi động sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP (NĐ08) được ban hành (ngày 5/3/2023). Theo đó, NĐ08 đã tạo cơ sở pháp lý để tổ chức phát hành thỏa thuận về việc điều chỉnh một số điều khoản của trái phiếu, đặc biệt là việc gia hạn kỳ hạn trái phiếu.
Trong năm 2023 nhiều tổ chức phát hành vẫn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp BĐS, nhiều tổ chức phát hành đã lựa chọn giải pháp đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời hạn các lô trái phiếu sắp đến hạn để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền để chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.
Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi NĐ08 được ban hành cho đến nay, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra sôi động. Tính đến cuối năm 2023 đã có gần 70 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX, với tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 116 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, kể từ khi NĐ08 được ban hành cũng đã góp phần giúp thị trường TPDN ấm dần lên. Cụ thể, với các điều khoản tạm ngưng thi hành các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đã giúp hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ có sự phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Số liệu tổng hợp của VNDirect cho thấy, trong quý IV/2023 có 166 đợt phát hành TPDN trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 146.277 tỷ đồng, tăng 22,3% so với quý III/2023 và cao gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ. Trong đó có 159 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 131.970 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng giá trị phát hành. Lũy kế cả năm 2023 tổng giá trị phát hành TPDN đạt khoảng 335.721 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ, trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 300.610 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Đà phục hồi rõ nét và bền vững
Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ (số liệu đã loại trừ các TPDN được mua lại trước hạn và các TPDN được gia hạn kỳ hạn theo công bố đến hết ngày 10/1/24).
Trong đó lớn nhất là nhóm BĐS chiếm 59,3% tổng giá trị đáo hạn, theo sau là nhóm tài chính – ngân hàng chiếm 29,2% tổng giá trị đáo hạn. Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2023, giá trị đáo hạn của nhóm BĐS tăng 23,7%, của nhóm tài chính – ngân hàng tăng 69%.
Trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp BĐS sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới. VNDirect nhận định, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề TPDN đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp BĐS trong năm 2024.
Trong bối cảnh đó, hoạt động phát hành TPDN có thể sẽ trầm lắng trở lại, khi các điều khoản trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP (NĐ65) bao gồm: quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc chính thức có hiệu lực thi hành (các quy định này đã được ngưng thi hành đến hết ngày 31/12/2023). Việc áp dụng các quy định này là cần thiết để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nhằm ổn định và phát triển thị trường TPDN bền vững trong dài hạn.
Tuy vậy, VNDirect cũng khuyến nghị, Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành một số chính sách hỗ trợ khác thay thế cho Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024 để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường TPDN một cách bền vững. “Chúng tôi kỳ vọng rằng với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối năm 2024”, các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng.
Đoàn Hằng