Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Sôi động” hoạt động đàm phán, hơn 60 doanh nghiệp lùi thời hạn chi trả trái phiếu.

05/11/2023 - 23:49
(Bankviet.com) Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 10/2023 vừa qua, các tổ chức phát hành cũng như các trái chủ đã thực hiện rất nhiều hoạt động đàm phán, nhằm mục đích thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu. Đơn vị này ước tính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được gia hạn lên đến 107 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, áp lực trong việc thanh toán trái phiếu đến hạn vẫn đang là vấn đề đè nặng lên nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, vào ngày 25/10, có hơn khoản 99 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/ hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Tính đến ngày 27/10/2023 đã có khoảng hơn 60 tổ chức thành công trong việc thỏa thuận việc gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán MBS, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán rơi vào khoản 190 tỷ đồng, chiếm 18% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 70% giá trị chậm trả.

Các ông lớn như Novaland đã thông báo sẽ dời lịch đáo hạn cho ba lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng tới cuối tháng 6-8/2025. Đồng thời Novaland cũng điều chỉnh việc trả lãi từ định kỳ 3 tháng một lần thành một lần vào ngày đáo hạn.

Trong khi đó, thời gian vừa qua, Hưng Thịnh cũng đã có động thái đàm phán lùi thời hạn 7 lô trái phiếu trị giá 9.200 tỷ đồng. Bamboo Capital cũng đã thành công trong việc đàm phán với trái chủ để dời thời hạn thanh toán tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu sang năm 2026.

Bên cạnh đó, Công ty CP Kita Invest cũng đã có thông tin về việc thay đổi nội dung kỳ hạn và một số điều kiện, điều khoản với lô trái phiếu KITA.BOND2020.03. Cụ thể, Kita Invest đã đạt được thỏa thuận với trái chủ trong việc kéo dài kỳ hạn đáo hạn đối với lô trái phiếu này lên 48 tháng so với cam kết 36 tháng trước đó, tương ứng với việc lô trái phiếu này sẽ đáo hạn vào ngày 5/5/2025. Đồng thời, hai lô trái phiếu mã KITA.BOND2020.07 và KITA.BOND2020.08 cũng đã được xác nhận ngày đáo hạn sẽ rơi vào ngày 30/07/2024, tức thời kỳ đáo hạn đã được kéo dài lên 48 tháng.

Về nhóm doanh nghiệp kinh doanh trang sức, ngày 17/10, CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến đã có thư ngỏ tới nhà đầu tư về lô trái phiếu có mã DTCCH2122001, khẳng định thời gian chi trả hoàn tất sẽ không chậm hơn ngày 25/11.Đa phần ta có thể thấy các doanh nghiệp đều điều chỉnh ngày đáo hạn thêm 2 năm, dời áp lực trả nợ qua giai đoạn 2025-2026.

Nguồn: HNX
Các doanh nghiệp đã đạt thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu có giá trị lớn trong quý III (Nguồn: HNX)

Trước tình hình có phần ảm đạm này, các doanh nghiệp hiện đã bắt đầu có những hành động nhằm mục đích trấn án nhà đầu tư. Cụ thể vào tháng 10, tình hình trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đã khởi sắc, đạt 12.336 tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng trước.

Chuyên gia nói gì?

Theo báo cáo của FiinGroup, trước bối cảnh “sóng gió” của ngành bất động sản, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang ngày một tăng cao đã làm cho một số công ty gặp khó khăn trong vấn đề hoàn tất nghĩa vụ nợ vay.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.

Trước áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản hiện nay, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đề xuất một số giải pháp quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể tập trung thực hiện để tháo gỡ bớt khó khăn.

Đó là các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đàm phán với "trái chủ" để thương lượng, kéo dài thời gian hoãn giãn nợ. Trong thời gian qua, vấn đề này có doanh nghiệp thực hiện thành công, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chưa thành công do nhiều nhà đầu tư lo ngại không lấy được tiền. Tuy vậy, các nhà phát hành trái phiếu vẫn phải kiên trì đàm phán với các "trái chủ" để giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận bán bớt tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao lên tới 30 - 40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với "trái chủ".

Hơn 74 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong 2 tháng cuối năm

Báo cáo của VBMA cho thấy, trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 74.847 tỷ đồng. ...

BIDVngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh tại Việt Nam

Thị trường vốn Việt Nam vừa chứng kiến một đợt phát hành trái phiếu trong nước có khung trái phiếu xanh được xếp hạng bởi ...

Nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó ...

Trúc Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán