Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 1- Hành trình của những thương hiệu nghìn tỷ Chiến thắng 30/4 trong trái tim thế hệ trẻ hôm nay Những ô cửa nhỏ kể chuyện tình yêu đất nước |
Sáng ngày 30/4, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại khu vực kỳ đài. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
![]() |
Trang nghiêm buổi lễ thượng cờ tại Kỳ đài Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị |
Dưới kỳ đài ở cầu Hiền Lương lịch sử, trong tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng, lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo, tung bay trên nền trời xanh.
Trong khoảnh khắc xúc động và thiêng liêng ấy, lãnh đạo chính quyền, người dân, các cựu chiến binh đều hướng ánh mắt về Quốc kỳ với niềm xúc động sâu sắc. Cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng, thắp sáng niềm tự hào và tiếp nối truyền thống bất diệt của dân tộc.
![]() |
Các tiết mục văn nghệ thể hiện tình yêu Tổ quốc bao la và yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam |
Phát biểu tại Lễ thượng cờ Thống nhất non sông, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Trị, bằng máu và nước mắt, bằng lòng quả cảm đã trở thành chiến trường nóng bỏng nhất, nơi mỗi tấc đất đều là chiến hào, mỗi ngọn cờ là một tuyên ngôn bất khuất.
“Để có được đất nước thống nhất hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh xương máu của hàng triệu người con ưu tú, trong đó có những người con Quảng Trị, đã hóa thân vào đất mẹ, biến mảnh đất này thành vùng đất thiêng liêng, điểm tựa của lòng yêu nước và khát vọng hoà bình bất diệt. Trong niềm xúc động và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các thế hệ tiền bối cách mạng, các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc; tri ân sâu sắc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh… những người đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho nền hòa bình hôm nay", ông Nam nhấn mạnh.
![]() |
Đoàn cựu chiến binh tham gia buổi lễ |
Tại buổi lễ, Cựu chiến binh Ngô Hữu Tuyền - Cao Xá, Trung Hải, huyện Vĩnh Linh bày tỏ cảm xúc: “Đứng trước lá cờ Tổ quốc tung bay giữa đôi bờ Hiền Lương – nơi chia cắt và cũng là nơi chứng kiến ngày non sông liền một dải – tôi không khỏi xúc động. Bao ký ức năm xưa lại ùa về, những tháng ngày chiến đấu gian khổ, đồng đội ngã xuống để đất nước có ngày độc lập, thống nhất. Hôm nay, giữa thời khắc thiêng liêng này, tôi càng thấm thía giá trị của hòa bình và càng tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ bé vào trang sử vẻ vang của dân tộc.”
![]() |
Các cựu chiến binh tham gia tại sự kiện |
“Tôi tự hào vì đã được góp sức mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Những gì chúng tôi trải qua là máu, là nước mắt, là cả tuổi thanh xuân gửi lại chiến trường. Hôm nay, nhìn thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, tôi chỉ mong các cháu luôn trân trọng quá khứ, giữ gìn những giá trị thiêng liêng của dân tộc, sống có lý tưởng, có trách nhiệm với đất nước. Bởi đất nước có vững mạnh, trường tồn là nhờ vào tinh thần và hành động của thế hệ hôm nay và mai sau”, cựu chiến binh Hồ Ngọc Chiến (huyện Vĩnh Linh) từng công tác tại Trung đoàn 270 chia sẻ.
Trong hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị đã trở thành đầu cầu chiến lược nối liền hai miền Nam - Bắc, thành pháo đài kiên cường bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ trực tiếp cho tiền tuyến lớn miền Nam.
![]() |
Người dân chụp hình lưu niệm tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. |
Trong suốt những năm tháng gian khổ ấy, lá cờ trên Kỳ đài Hiền Lương, nơi đầu cầu giới tuyến, vẫn kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của niềm tin và ý chí thống nhất của đồng bào hai miền Nam - Bắc.
![]() |
Người dân tham quan di tích cầu Hiền Lương |
Em Nguyễn Tiến Thành - TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bày tỏ cảm xúc: “Đứng trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa nền trời xanh thẳm, chúng ta không khỏi xúc động. Hình ảnh thiêng liêng ấy như nhắc nhở chúng ta về biết bao gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha ông trong hành trình giữ nước và giành lại độc lập, thống nhất”
Lá cờ không chỉ là biểu tượng của một quốc gia, mà còn là kết tinh của lòng yêu nước, của khát vọng hòa bình và ý chí kiên cường của cả dân tộc. Trong khoảnh khắc ấy, một niềm tự hào trào dâng – tự hào vì là người Việt Nam, vì được sống trong hòa bình, và càng thấy rõ trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị thiêng liêng mà cha anh đã đánh đổi bằng máu xương.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, hướng tới cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước dự kiến diễn ra hai năm sau. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã phản bội Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu biến vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia. Từ đó, cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của cả dân tộc. |