Đây là lần đầu tiên 2 quốc gia ký kết một hiệp ước quốc tế về tính tương đương của khuôn khổ pháp lý và quy định trong lĩnh vực tài chính.
Thỏa thuận cho phép hoặc đơn giản hóa việc tiếp cận thị trường của đối tác còn lại, tăng cường sự hợp tác chặt chẽ về mặt quản lý và giám sát, nhằm đảm bảo ổn định tài chính, tính toàn vẹn thị trường và bảo vệ khách hàng.
Sự công nhận lẫn nhau
Thỏa thuận bao gồm việc công nhận tính tương đương trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ đầu tư, bảo hiểm, quản lý tài sản và cơ sở hạ tầng thị trường tài chính cho các khách hàng cao cấp của hai nước.
Trong trường hợp dịch vụ tài chính, đặc biệt là quản lý tài sản, các nhà cung cấp Thụy Sĩ sẽ có thể tham gia vào các hoạt động xuyên biên giới. Trong tương lai, các khách hàng cá nhân tại Anh có tài sản trên 2 triệu bảng Anh có thể được cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trực tiếp tại các ngân hàng Thụy Sĩ.
Về bảo hiểm, thỏa thuận này bao gồm một số ngành kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ dành cho các khách hàng doanh nghiệp lớn, trong đó, các công ty bảo hiểm của Anh hiện có thể tham gia vào các hoạt động xuyên biên giới.
Đặc biệt, thỏa thuận này loại trừ bảo hiểm tai nạn, sức khỏe và hầu hết các loại bảo hiểm trách nhiệm, cũng như các loại bảo hiểm độc quyền dành cho người được bảo hiểm nghề nghiệp.
Các công ty Thụy Sĩ hiện có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm xuyên biên giới cho các khách hàng doanh nghiệp lớn theo luật hiện hành của Anh, điều này đã được xác nhận rõ ràng trong thỏa thuận.
Mặc dù các khái niệm được sử dụng trong BFSA không phải là mới, nhưng cách thỏa thuận này được tổng hợp và áp dụng trong một hiệp ước quốc tế là chưa từng có, chứng minh khả năng đổi mới của cả hai nền kinh tế.
Khi nói đến hoạt động thương mại xuyên biên giới trong lĩnh vực được quản lý chặt chẽ như dịch vụ tài chính, đây thực sự là kỳ tích từ trước đến nay.
Mô hình hợp tác giữa các nước có cùng hướng
Việc ký kết BFSA đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đầy thú vị trong quan hệ Thụy Sĩ - Anh.
Thỏa thuận này không chỉ thể hiện cam kết chung trong việc thúc đẩy thị trường tài chính cởi mở và linh hoạt, mà còn chứng minh sự sẵn sàng của 2 nước trong việc dẫn đầu và đổi mới trên thị trường toàn cầu.
BFSA có thể là ví dụ minh họa cho sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng và cam kết mở cửa thị trường. Tuy nhiên, thỏa thuận này cần được quốc hội của hai nước chấp thuận trước khi có hiệu lực, bao gồm các quy định cho phép phạm vi bảo hiểm mở rộng theo thời gian.
Đại diện 2 nước cho biết đã cân bằng các mục tiêu chung về tham vọng và quản lý rủi ro hiệu quả để đưa ra một thỏa thuận cung cấp nguyên tắc cơ bản cho việc công nhận các khuôn khổ quản lý và giám sát, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn trong các dịch vụ tài chính, đó là dịch vụ cho các đối tác chuyên nghiệp hoặc cao cấp, được hỗ trợ bởi một khuôn khổ quản trị toàn diện.
Dựa trên đánh giá kỹ lưỡng về khuôn khổ quản lý và giám sát của nhau, thỏa thuận này quy định về sự công nhận lẫn nhau khi đạt được kết quả tương đương.
Trong một số trường hợp, nơi thị trường bán buôn của Anh và Thụy Sĩ mở cửa, thỏa thuận khẳng định quyền tiếp cận hiện có. Trong những trường hợp khác, không chỉ là việc khẳng định quyền tiếp cận hiện có mà còn là việc mang lại những cơ hội mới cho hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, bằng cách sử dụng nguyên tắc "tôn trọng lẫn nhau".
Điều này có nghĩa là các công ty trong các lĩnh vực như bảo hiểm và dịch vụ đầu tư sẽ có thể cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc và sự giám sát của khu vực pháp lý trong nước.
Quản lý sự ổn định tài chính và tính toàn vẹn của thị trường
Thụy Sĩ và Anh đã tận dụng thế mạnh của các quy trình có sẵn để xác nhận tính tương đương quốc tế, bằng cách bổ sung các cam kết tăng cường sự ổn định trong khuôn khổ quản trị và cơ chế bảo vệ phù hợp, nghĩa là các doanh nghiệp mới tiếp cận theo thỏa thuận này sẽ có nền tảng ổn định hơn để có thể lập kế hoạch trong dài hạn.
Một trong những thách thức lớn nhất khi triển khai thỏa thuận xuyên biên giới này là việc bảo toàn khả năng quản lý ổn định tài chính trong nước và rủi ro toàn vẹn thị trường của mỗi quốc gia mà không có sự thỏa hiệp.
Theo Hiệp định dịch vụ tài chính Berne, 2 nước đã xây dựng phương pháp tiếp cận từng lớp đối với quản lý rủi ro, giúp khắc phục thách thức này.
Trọng tâm của quá trình này là một quy trình tăng cường hợp tác giám sát nhằm đảm bảo quyền truy cập thông tin phù hợp từ 2 bên để quản lý hiệu quả rủi ro cho thị trường.
Tất cả những nỗ lực này đã tạo nên tiêu chuẩn mới để tổ chức thực hiện kinh doanh tài chính xuyên biên giới. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng bao gồm các cơ chế cho phép phạm vi bảo hiểm được mở rộng theo thời gian.
Minh Ngọc