Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội trong phiên họp ngày 9/6/2022 |
Ngân hàng đã tích cực đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp
Đặt câu hỏi chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, thời gian qua, khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, đối mặt với các gói nợ xấu thì cả hệ thống chính trị đã góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 /2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV được cho là khá mạnh mẽ và hiệu quả đúng như Thống đốc đánh giá. Ở chiều ngược lại, trong 2 năm qua ngành Ngân hàng cũng đã hỗ trợ rất tích cực cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho biết, vẫn có ý kiến cho rằng mức độ chia sẻ của ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân đối với đất nước chưa tương xứng khi kinh tế đất nước trong 2 năm qua tăng trưởng thấp kỷ lục, rất nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản, ngừng hoạt động, rút khỏi thị trường, người dân gặp vô vàn khó khăn, lao đao vì dịch bệnh; nhiều khoản nợ ngân hàng không trả được, nợ tăng trở lại nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Từ thực trạng trên, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Liệu đây là nỗi oan Thị Kính hay nỗi oan gì?”.
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo kêu gọi của NHNN, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã tích cực tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Khi dịch COVID-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân bằng chính nguồn lực của mình, với tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng.
“Đây là con số đáng được ghi nhận, bởi bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, hoạt động thu lợi từ lãi vay và các dịch vụ. Do đó việc chấp nhận giảm lãi vay cho thấy sự đồng hành của các tổ chức tín dụng với người dân và doanh nghiệp. Hoạt động ngân hàng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh không thể tránh khỏi. Do đó, các tổ chức tín dụng cần có dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp của người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực và theo đó rất nhiều doanh nghiệp có nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện để vay vốn, nhưng bằng cách này nhiều doanh nghiệp và người dân có thể vay nợ trở lại, tiếp cận thêm khoản vay.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng khoảng 8%. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, mức này là cao, cho thấy đây cũng là nhờ thông Thông tư tái cơ cấu các khoản vay và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, nên các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch thì tiếp tục được vay vốn.
Về vấn đề lợi nhuận cao của ngân hàng theo như đại biểu đề cập, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng, cũng như doanh nghiệp được thành lập với mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Nhưng khác với doanh nghiệp thông thường, số vốn điều lệ và quy mô tài sản của ngân hàng là rất lớn. Nếu như thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 14 triệu tỷ đồng, thì đến tháng 3/2022 con số này lên tới hơn 16 triệu tỷ đồng và tín dụng khoảng 12 triệu tỷ đồng.
Thống đốc cho biết, tài sản của một tổ chức tín dụng như ngân hàng thương mại nhà nước đạt khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Do vậy, lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn tỷ đồng hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn. “Theo những số liệu tổng hợp được trên thị trường chứng khoán, đánh giá theo tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản hoặc tỷ lệ sinh lời trên vốn của các tổ chức tín dụng so với một số các doanh nghiệp ở các ngành khác thì không cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Toàn cảnh phiên họp |
Nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng tăng cao
Trả lời các câu hỏi của đại biểu về việc quản lý thị trường vàng, cũng như việc việc độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia - SJC là nguyên nhân dẫn đến giá loại vàng miếng này tăng cao như hiện nay… Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng từ trước khi có Nghị định 24/2012 về chống vàng hoá ra đời.
Theo Nghị định này, NHNN được độc quyền sản xuất vàng miếng và khi đó phải đánh giá tình hình là nên sản xuất một thương hiệu vàng miếng riêng, mới hay chọn loại vàng của thương hiệu đã có sẵn trên thị trường. Thống đốc phân tích, nếu chọn làm một thương hiệu vàng quốc gia mới thì xã hội có thể mất nhiều chi phí. Do vậy, sau khi cân nhắc các mặt lợi ích, chi phí, NHNN chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, loại chiếm hơn 90% thị phần ở thời điểm đó.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề chênh lệch giá vàng chiều ngày 8/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Ở Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao. Với vai trò quản lý nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. “Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải.
Với các câu hỏi chất vấn: Có sửa Nghị định 24 hay không? Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định 24 xác định là NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, ở đây NHNN lựa chọn thuê SJC sản xuất. Trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị định 24 tới đây, NHNN sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi".
Doanh nghiệp đủ điều kiện, có khả năng trả nợ mới được vay vốn cấp bù hỗ trợ lãi suất 2%
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chương trình cho vay cấp bù hỗ trợ lãi suất 2% trong gói phục hồi kinh tế, để tránh tình trạng dòng vốn đi vào khu vực không cần thiết, đặc biệt là trục lợi chính sách?..., Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: gói hỗ trợ này được doanh nghiệp và người dân rất quan tâm. Do vậy, trong quá trình xây dựng Nghị định 31, NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Chính phủ, tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến để làm sao thiết kế ra các quy định đảm bảo được việc triển khai thuận lợi, nhất là hạn chế những khó khăn, vướng mắc.
Để đảm bảo được các đối tượng rõ ràng, tại Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ đối với hai nhóm đối tượng. Một là, nhu cầu vay vốn thuộc một số ngành kinh tế đã được quy định tại Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về phân ngành kinh tế. Từ trước đến nay, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân đều có sự phân ngành kinh tế theo chuẩn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hai là, nhu cầu cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Vấn đề này do Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát và công bố danh mục đển có cơ sở rõ ràng.
Để thiết kế một cách công bằng, công khai, Thống đốc nhấn mạnh cần có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan trong khâu dự toán, thực hiện dự toán cũng như quyết toán. Đặc biệt, trong Nghị định này cũng có quy định sự tham gia gia của Kiểm toán Nhà nước đối với các khoản cho vay trước khi Bộ Tài chính thực hiện quyết toán khoản vay này.
Đối với biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có khoản nợ cũ không có tài sản bảo đảm tiếp cận được gói hỗ trợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ khi bàn thảo, trình Quốc hội và Quốc hội đã cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng họp một số phiên để xem xét về vấn đề này, trong đó thấy rằng gói này hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đối tượng ở đây là phải là các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
“Như vậy, trong Nghị định và Thông tư hướng dẫn của NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay đúng đối tượng thuộc các ngành được hỗ trợ nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi mới được cho vay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ và cho biết thêm: “nếu trong quá trình thẩm định, đánh giá, các tổ chức tín dụng đánh giá là doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, thực sự các doanh nghiệp cũng không tiếp cận được chương trình này”.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn chiều ngày 8/6 và sáng ngày 9/6 đã có 57 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, đã có 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận, còn 25 đại biểu đã đăng ký hết thời gian đề nghị được gửi câu hỏi chất vấn đến Thống đốc để được trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy các đại biểu đã bám sát nội dung chất vấn, tập trung nhiều ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng. “Thống đốc NHNN tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại NHNN nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của NHNN, đã trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá.