Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội chất vấn Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng tập trung vào các nội dung:
Một là, tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc phối hợp chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô;
Hai là, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Ba là, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn |
Trả lời chất vấn đối với nhóm này thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Khi cần thiết, Chủ tịch Đoàn sẽ mời Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời các vấn đề có liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
Phát biểu tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với vai trò là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, phát triển đất nước, hệ thống ngân hàng là huyết mạch chu chuyển vốn và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế, bởi vậy hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, cùng với nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, trong thời gian qua, NHNN đã luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, sự ủng hộ của đồng bào và cử tri cả nước.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kiểm soát lạm phát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, áp lực lạm phát trên thế giới đang rất cao. Còn ở trong nước, 5 tháng qua, lạm phát tăng 2,25% chủ yếu là do tác động của yếu tố giá mà chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các gói tín dụng. Do vậy, để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới NHNN sẽ phải kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp.
Ngoài các giải pháp trên, để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng, bên cạnh phối hợp giữa các chính sách vĩ mô thì việc kiểm soát giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục… là rất quan trọng.
“Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV lần này, lĩnh vực ngân hàng là một trong bốn nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn, dành thời gian chất vấn. Đây là cơ hội để Thống đốc NHNN được lắng nghe ý kiến của các đại biểu để tiếp thu, giải trình và chỉ đạo, điều hành, cùng Ban lãnh đạo NHNN tổ chức triển khai việc hoạch định chính sách cũng như quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng cho hiệu quả hơn, có nhiều đóng góp hơn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.
Giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được NHNN quan tâm
Quan tâm đến việc giảm lãi suất theo Nghị quyết 43/2022-QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết tình hình thực hiện và các giải pháp của ngành ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giảm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm trong 2 năm 2022 – 2023 theo mục tiêu của Quốc hội đề ra như thế nào?.
Cũng liên quan đến lãi suất, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) bày tỏ hai băn khoăn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một là, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cho rằng lãi suất hiện vẫn cao nên việc tiệm cận với nguồn vay vẫn còn khó khăn. Hai là, việc dành 2% ngân sách nhà nước hỗ trợ bù đắp lãi suất qua ngân hàng cho doanh nghiệp hiện nay đang triển khai đến đâu và các ngành nghề được thụ hưởng sau khi có nghị quyết của Quốc hội hỗ trợ doanh nghiệp có kịp thời, nhanh chóng hay không?
Trước những quan tâm của đại biểu quan tâm về vấn đề lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được NHNN quan tâm. NHNN đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của NHNN chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, còn ở trong nước mặt bằng lãi suất cơ bản được ổn định.
“Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng NHNN đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Đối với nhiệm vụ giảm lãi suất theo Nghị quyết 43/2022-QH15, Thống đốc NHNN cho biết, Nghị quyết đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, NHNN điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Còn về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Dẫu vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp này và người dân, thời gian qua, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả
Với câu hỏi của các đại biểu: Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội), Huỳnh Thị Phúc (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Vương Thị Hương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang)… về nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu.
Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Để tránh nợ xấu phát sinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm cho những khoản tín dụng này.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên NHNN đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết gia hạn, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.
Đối với các câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang), Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau)… về tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. “Đối với tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, NHNN có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. “NHNN cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi cho vay các khoản vay có tài sản bảo đảm thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản bảo đảm để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát, quản lý chặt thị trường đó, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần phải chấn chỉnh, xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải là đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Do đó, chính sách đối với tài chính, đối với kinh tế không thể giật cục, phải nhất quán, thông suốt, phải có dự phòng nhiều nội dung khác nhau.
Hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy lùi tín dụng đen, lừa đảo qua mạng
Qua chất vấn, nhiều đại biểu cũng dành câu hỏi liên quan đến tình trạng tín dụng đen, lừa đảo qua Zalo, Facebook, APP… Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết. Khi mở tại khoản các cá nhân đều phải xác thực định danh, mở tài khoản điện tử cũng phải có chứng minh nhân dân và căn cước. Dẫu vậy, thời gian qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet Banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….
Để giải quyết tình trạng này, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp nhằm cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.
Còn với những chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc đòi nợ của các công ty tài chính hiện nay, Thống đốc nêu rõ, trên cơ sở phản ánh của dư luận, NHNN đã rà soát và thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, trong đó có Thông tư của NHNN về cho vay của các công ty tài chính.
Đối với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Nhưng việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
“NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Theo chương trình làm việc, sáng mai 9/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và các thành viên Chính phủ các nội dung liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.