Vào cuối tuần vừa rồi, Thống đốc Ngân hàng trung ương của Trung Quốc (PBOC) cho biết, nước này đang dần giải quyết một loạt rủi ro tài chính và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ để đảm bảo sự phục hồi kinh tế.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV được phát sóng hôm thứ Bảy, Thống đốc (PBOC) Pan Gongsheng nói rằng, số lượng các nền tảng tài trợ của chính quyền địa phương và mức nợ tồn đọng đã tiếp tục giảm.
Nền tảng tài trợ của chính quyền địa phương là các công ty thay mặt các tỉnh, thành phố vay vốn, chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá và bến cảng.
Thống đốc cho biết, khoản nợ đến hạn của “hầu hết” các nền tảng tài chính này đã được gia hạn, cơ cấu lại hoặc thay thế, đồng thời cho biết thêm chi phí tài chính đối với nợ chính quyền địa phương đã giảm “đáng kể”.
Ông cũng cho biết số lượng ngân hàng vừa và nhỏ có rủi ro cao đã “giảm gần một nửa so với mức đỉnh”.
Ngân hàng trung ương sẽ đặt mục tiêu hướng tăng trưởng tín dụng ở mức “hợp lý” và giảm chi phí tài chính một cách vững chắc cho các công ty và hộ gia đình, đồng thời duy trì sự ổn định “cơ bản” của tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Thống đốc Pan cho biết, các tổ chức tài chính được khuyến khích tăng cường hỗ trợ cho các liên kết yếu hoặc trong các lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng nhu cầu tài chính tiêu dùng “hợp lý” theo cách có mục tiêu hơn và nghiên cứu các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp các chính sách vĩ mô.
“Trong bước tiếp theo, chúng tôi sẽ tăng cường các điều chỉnh phản chu kỳ và xuyên chu kỳ, đồng thời tập trung vào việc hỗ trợ những kỳ vọng ổn định, thúc đẩy niềm tin và hỗ trợ cho việc củng cố và tăng cường phục hồi kinh tế”.
Áp lực nợ của chính quyền địa phương chỉ là một trong số những trở ngại mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Đất nước này cũng đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản, với nhu cầu tín dụng yếu được phản ánh qua một số dữ liệu cung tiền và cho vay quan trọng vào tháng trước.
Dữ liệu chính thức cho thấy các khoản vay ngân hàng mới của Trung Quốc trong tháng 7 ở mức thấp nhất trong 15 năm, chỉ 260 tỷ Nhân dân tệ (36,5 tỷ USD), giảm 85,9 tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 7, nguồn cung tiền M1 của Trung Quốc, bao gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi không kỳ hạn của doanh nghiệp - được coi là chỉ số chính về niềm tin của doanh nghiệp tư nhân, đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp kỷ lục.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến ở mức 5,3% trong quý đầu tiên nhưng giảm nhẹ xuống 4,7% trong quý II. Tiêu dùng trong nước và tăng trưởng thu nhập vẫn ở mức thấp.
PBOC đã cắt giảm lãi suất chính sách ngắn hạn quan trọng và lãi suất tham chiếu cho vay thế chấp vào ngày 22/7, chỉ vài ngày sau khi kết thúc kỳ họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, với động thái này, các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng hơn nữa trong những tháng tới.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã ưu tiên sự ổn định của tỷ giá đồng Nhân dân tệ để giảm rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài do chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ ở mức lớn, gây áp lực giảm giá lên đồng Nhân dân tệ.
Lynn Song, kinh tế trưởng của Greater China tại ING, cho biết trong một ghi chú ngày 23/8: “Tăng trưởng yếu có thể dẫn đến việc PBOC phải nới lỏng nhiều hơn, đồng thời do lãi suất vẫn ở mức thấp và khẩu vị rủi ro đối với tài sản trong nước vẫn còn hạn chế nên áp lực dòng vốn chảy ra vẫn ở mức độ nhất định”.
Nhìn chung, các nhà phân tích kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay của chính phủ Trung Quốc có thể nằm trong tầm tay nhờ sự hỗ trợ chính sách liên tục, tuy nhiên sự phục hồi tiêu dùng vẫn chưa chắc chắn.
Trong cuộc phỏng vấn với CCTV tuần trước, Thống đốc Pan Gongsheng đã nhấn mạnh các biện pháp của chính phủ nhằm kiểm soát 3 lĩnh vực rủi ro tài chính ở Trung Quốc: nợ chính quyền địa phương, bất động sản và các ngân hàng vừa và nhỏ.
Trong Báo cáo ổn định tài chính năm 2023, PBOC cho biết có 337 ngân hàng có rủi ro cao với tổng tài sản là 6,63 nghìn tỷ Nhân dân tệ và tất cả đều là những tổ chức cho vay vừa và nhỏ.
Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA) ngày 21/8 đã cho biết sẽ tăng cường giám sát các cổ đông lớn tại các tổ chức tài chính vừa và nhỏ để kiểm soát rủi ro tài chính của các tổ chức này.
Phó Giám đốc NFRA Xiao Yuanqi cho biết, các tổ chức tài chính vừa và nhỏ nên tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và không “theo đuổi việc mở rộng quá mức một cách mù quáng”.
V.A