Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung chính về: (i) tình hình biến đổi khí hậu và (ii) các cấu phần của một khuôn khổ ổn định tài chính vĩ mô cho các nền kinh tế mới nổi.
Liên quan đến nội dung về biến đổi khí hậu, các đại biểu đã cùng chia sẻ thực trạng biến đổi khí hậu trên thế giới và tại quốc gia mình.
Theo đó, trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng với mức độ ngày càng tăng lên, biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài…
Trong năm 2021, cùng với đại dịch COVID-19, sự biến đổi khí hậu cũng là tác nhân ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hồi phục và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề xoay quanh việc kết hợp các tiêu chuẩn về khí hậu vào khuôn khổ tài chính vĩ mô.
Về chủ đề cấu phần của một khuôn khổ ổn định tài chính vĩ mô, các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến khuôn khổ ổn định tài chính vĩ mô cho các nền kinh tế mới nổi. Cụ thể là những yếu tố chính quyết định sự ảnh hưởng đến biến động của dòng vốn và tỷ giá, cũng như những thách thức chính về phân tích và thực tiễn khung chính sách của các NHTW các nền kinh tế mới nổi. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế để đạt được một số mục tiêu và kênh tài chính về tỷ giá hối đoái.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, với bờ biển dài, nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ tại khu vực miền Trung gần đây đã tác động tiêu cực đến tự nhiên và xã hội, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế đi cùng yếu tố bền vững.
NHNN đóng một vai trò không thể thiếu trong quản lý và ứng phó với các rủi ro khí hậu và môi trường thông qua huy động nguồn lực xã hội và hướng dòng vốn vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường. NHNN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng cường hợp tác, gắn kết quốc tế về xây dựng khung khổ chính sách, triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Trong năm 2020, với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN 2020, chủ trì trong tiến trình hợp tác và triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực ngân hàng của ASEAN, ASEAN +3, NHNN đã đề xuất xây dựng “Sáng kiến về các nguyên tắc ngân hàng bền vững” với mục đích hướng dẫn NHTW và Cơ quan quản lý tiền tệ của ASEAN thúc đẩy ngân hàng bền vững trong khối ASEAN. Sáng kiến đã được chấp thuận ban hành tại Hội nghị Thống đốc NHTW các quốc gia ASEAN ngày 30/3/2021.
Để phát huy vai trò của NHTW trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, các NHTW cần phối hợp với các cơ quan quản lý khác trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và các ngành nghề liên quan nhằm xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; đồng thời kiểm soát việc cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực tác động xấu đến môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thống đốc là Hội nghị thường kỳ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổ chức định kỳ 2 tháng/lần để đánh giá chung về diễn biến thị trường và tiền tệ thế giới, triển vọng và phản ứng chính sách của các quốc gia thành viên. Đây là Hội nghị lần thứ 3 trong năm 2021.
P.V
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ