Cuối tuần vừa qua tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Quán triệt, phổ biến Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 nhằm giúp các đơn vị, cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động ngành ngân hàng nắm bắt và hiểu rõ nội dung các quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, đảm bảo công tác triển khai thi hành Luật. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010 và được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 17/2017/QH14 ngày 20/11/2017. Đây là văn bản pháp lý toàn diện quy định về tổ chức, hoạt động của các TCTD. Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các TCTD đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống các TCTD.
Mặc dù vậy, trước những yêu cầu mới, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Các TCTD năm 2024 thay thế Luật Các TCTD năm 2010. Ngày 18/01/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Các TCTD. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN đã giới thiệu nội dung của Luật Các TCTD năm 2024 và một số công việc các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD cần thực hiện để tổ chức thi hành Luật. Theo đó, Luật Các TCTD 2024 được kết cấu gồm 15 Chương, 210 Điều.
Như vậy, so với Luật Các TCTD 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Các TCTD 2024 bổ sung thêm 04 Chương. Trong đó, Chương II về loại hình ngân hàng chính sách (Luật 2010 chỉ quy định một điều – Điều 17 về ngân hàng chính sách); Chương IX về can thiệp sớm tại (Luật 2010 chỉ quy định một điều về can thiệp sớm – Điều 130a); Chương XI về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, cho vay đặc biệt (Luật 2010 quy định về cho vay đặc biệt thuộc chương về kiểm soát đặc biệt và chưa có quy định về xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt); Chương XII về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Một số điểm mới của Luật Các TCTD sửa đổi cũng đã được trình bày tại hội nghị. Đơn cử như Quy định cấp giấy phép; Quy định về cơ cấu, tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD; Quy định về hoạt động của TCTD; Quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD; về tài chính, hạch toán, báo cáo; Quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt TCTD…
Ông Tạ Quang Đôn cho biết, để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, NHNN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Tại hội nghị các đơn vị của NHNN cũng giải đáp một số thắc mắc liên quan đến quy định của Luật và quán triệt các nội dung cần triển khai thi hành Luật Các TCTD.
Kết luận hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Luật Các TCTD năm 2024 là văn bản pháp lý quy định toàn diện về tổ chức, hoạt động của các TCTD. Do đó, sau khi Luật Các TCTD năm 2024 được thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ có tác động lớn tới tổ chức, hoạt động của TCTD. Để sẵn sàng cho việc triển khai thi hành Luật Các TCTD năm 2024 kể từ ngày 1/7/2024, Thống đốc NHNN yêu cầu toàn ngành Ngân hàng khẩn trương triển khai các công việc.
Theo đó, đối với các đơn vị thuộc NHNN, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Các TCTD trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các TCTD trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần tập trung triển khai đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Ngoài ra cần tập trung, khẩn trương nghiên cứu xây dựng để trình Thống đốc ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD đảm bảo đúng tiến độ. Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong trường hợp cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Các TCTD năm 2024.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Các TCTD năm 2024 đến cơ quan, tổ chức, đối tượng tác động; tập hợp các ý kiến về nội dung Luật Các TCTD để nghiên cứu xây dựng bảng giải đáp, đảm bảo hiểu đúng quy định và thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Phối hợp với các bộ, ngành được giao nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD năm 2024 đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Đối với các TCTD, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu rà soát Điều lệ, hệ thống văn bản quy định nội bộ để sửa đổi, bổ sung, thay thế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Các TCTD năm 2024, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ngoài ra, tổ chức các hình thức tuyên truyền để cán bộ, nhân viên trong hệ thống nắm được các điểm mới tại Luật Các TCTD năm 2024. Các TCTD cũng cần tích cực, chủ động tham gia ý kiến với NHNN và các cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Các TCTD.
Với một số quy định mới của Luật Các TCTD năm 2024 gắn với thời hạn hoàn thành cụ thể, các TCTD phải xây dựng kế hoạch thực hiện và phân công trong nội bộ TCTD, đảm bảo tuân thủ quy định.
“NHNN cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Các TCTD, đảm bảo các quy định tại Luật được thực thi đồng bộ, thống nhất”, Thống đốc nhấn mạnh.
NHNN: Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế Sáng ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay ... |
NHNN yêu cầu TCTD triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Công văn 2235/NHNN-TT về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt ... |
PV