Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu hạ hơn 1,5% bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh hơn so với kỳ vọng. Cùng lúc đó, việc sản xuất tại Mỹ tăng trưởng kỷ lục và nỗi lo về triển vọng nhu cầu dầu tại châu Á không khỏi ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 1,29USD/thùng tương đương 1,6% xuống 81,18USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 1,6USD/thùng tương đương 2% xuống 76,66USD/thùng.
Lần đầu tiên tính từ tháng 7/2023, giá dầu Brent giao hợp đồng gần nhất đồng thời thấp hơn giá dầu Brent giao tháng tiếp sau đó, đây là chỉ báo không mấy tích cực cho giá dầu trong khoảng thời gian ngắn. Còn nếu tính dài hạn hơn, giá dầu Brent giao kỳ hạn sau 6 tháng cao hơn giá dầu giao tháng gần nhất.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô Mỹ tăng 3,6 triệu thùng trong tuần lên 421,9 triệu thùng dầu, cao hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters.
Số liệu hàng tuần của chính phủ Mỹ, trong tuần trước không được công bố do việc nâng cấp hệ thống, cho thấy sản lượng dầu thô Mỹ duy trì ở ngưỡng kỷ lục 13,2 triệu thùng dầu/ngày từng thiết lập vào tháng 10/2023.
“Tình hình liên quan đến nguồn cung tại Mỹ có thể coi như “lực cản” của thị trường và nước Mỹ thực sự là vấn đề mà OPEC+ đang phải đương đầu”, chuyên gia tại Again Capital LLC ở New York – ông John Kilduff phân tích. Ông Kildoff đồng thời nói thêm ông không tin Saudi Arabia không cắt giảm thêm sản lượng để đẩy giá.
Nhóm các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới bao gồm Saudi Arabia và Nga, một phần của OPEC+ và toàn bộ các thành viên còn lại trong OPEC, vào tháng này công bố họ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện ít nhất cho đến thời điểm cuối năm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Ba đã tiếp bước OPEC trong việc nâng dự báo triển vọng nhu cầu dầu trong năm nay bất chấp những dự báo về tăng trưởng kinh tế chững lại tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trong tháng 10/2023, sản lượng các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc hạ nhiệt so với tháng liền trước đó khi mà nhu cầu nhiên liệu công nghiệp yếu đi. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tháng 10/2023 tăng trưởng, sản lượng công nghiệp tăng trưởng nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ cao vượt kỳ vọng.
Kinh tế Nhật suy giảm trong khoảng thời gian quý III/2023, chấm dứt khoảng thời gian tăng trưởng hai quý liên tiếp. Kinh tế Nhật chịu ảnh hưởng bởi tiêu dùng và xuất khẩu yếu.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 10/2023 giảm lần đầu tiên trong bảy tháng.
Các nhà ngoại giao nhóm nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết dầu của Nga không thuộc nhóm đối tượng bị siết chặt kiểm soát về áp trần giá dầu.
Trước đó, Financial Times đưa tin Đan Mạch sẽ được trang bị các công cụ rà soát và chặn dầu của Nga đi qua vùng hải phận của Đan Mạch theo kế hoạch của EU liên quan đến việc áp trần giá dầu ở ngưỡng 60USD/thùng.
Một quan chức chính phủ châu Âu cấp cao cho biết không có lô dầu nào của Nga được giao dưới giá 60USD/thùng trong tháng 10, đây là ngưỡng mà các nước G7 và đồng minh đã cố gắng áp dụng với dầu của Nga.
Việc các quan chức chính phủ châu Âu lo lắng hoàn toàn có cơ sở bởi trong tháng 10/2023, phía Moscow công bố mức giá dầu trung bình mà họ bán ra thị trường ở ngưỡng trên 80USD/thùng. Dù số liệu kinh tế của Nga từng bị hoài nghi, tuy nhiên ngưỡng giá dầu bán ra được coi như cơ sở để tính thuế.
Ngọc Diệp