Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm Tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm, cá tra Việt Nam |
Thông tin về Giấy Chứng thư khi xuất khẩu thủy sản sang Israel
Trong Công văn số 11/CV-TVIL ngày 21/2 Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel gửi Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ, phúc đáp Công văn số 221/CCPT-ATTP ngày 2/2/2024 của NAFIQPM và tiếp theo nội dung đã đề cập gửi Cục NAFIQPM tại email ngày 2/2/2024, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã có công hàm ngoại giao gửi Bộ Y tế Israel và đồng thời trực tiếp trao đổi về việc đề nghị phía Bạn làm rõ vấn đề cấp Giấy Chứng thư (Health Certificate) đối với các lô hàng xuất khẩu thủy sản (cá và các sản phẩm cá) của Việt Nam sang Israel và tên gọi khoa học cụ thể của cá diêu hồng như tinh thần hướng dẫn trong Công văn số 221/CCPT-ATTP nói trên của Cục NAFIQPM.
Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi |
Ngày 19/2/2024, Bộ Y tế Israel (Cục Quản lý Chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm - Cơ quan quản lý quốc gia về chất lượng, an toàn vệ sinh đối với tất cả các loại hàng hóa thực phẩm được nhập khẩu vào Israel) đã có công hàm chính thức trả lời đối với 2 nội dung phía ta nêu.
Theo đó, Bộ Y tế Israel cho biết, các nước xuất khẩu sang Israel đã nhất trí về Mẫu Giấy Chứng thư thống nhất được quy định tại trang 21 và phụ lục 2a trong bản Thông tư hướng dẫn các nhà nhập khẩu Israel về quy trình nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc từ động vật do Bộ Y tế Israel ban hành.
Thông tư hướng dẫn này được công bố công khai trên trang web của Bộ Y tế Israel để các doanh nghiệp nhập khẩu Israel biết và thực hiện.
Trong thực tế từ trước tới nay, tất cả các lô hàng cá và sản phẩm cá mà Bộ Y tế Israel nhận thông thường từ Việt Nam đều có kèm theo Giấy Chứng thư như thường lệ (trong khi đó, từ trước tới nay, phía Việt Nam cho rằng Israel là thị trường không cần phải cấp Giấy Chứng thư đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này). Bảng tên danh mục các loài cá đã được Israel phê duyệt và đăng tải công khai.
Theo đó, phía Israel quy định chỉ rõ (trong tiếng Hebrew) ở góc trái phía trên có màu vàng tươi trong danh mục nêu trên là tên thuộc nhóm/họ mở rộng, ví dụ như Orechromis SPP. SPP là đại diện tương ứng viết tắt cho một số loài. SP là ở dạng số ít. Tất cả các loài cá thuộc họ này có thể được gọi là cá rô phi hoặc (אמנוןtheo tiếng Hebrew). Ở góc màu vàng được đánh dấu nổi bật thì tên đầy đủ của loài cá phải được đề cập cụ thể trong Giấy Chứng thư và trên nhãn mác bằng tiếng Hebrew.
Về tên gọi khoa học của cá diêu hồng (Red Tilapia), tên Latin/khoa học đầy đủ của nó là Orechromis Mosambicus, tên này vẫn chưa được yêu cầu là một cái tên cụ thể.
Có thể có sẵn hai lựa chọn cách hiểu: Loại cá này có thể được gọi như là tất cả các họ cá rô phi được nêu trong Bảng danh mục trên. Nhà nhập khẩu Israel hoặc đại diện của nhà nhập khẩu Israel có thể yêu cầu bổ sung loại cá này với tên tiếng Hebrew và tiếng Anh cụ thể.
Đại diện Bộ Y tế Israel cũng cho biết riêng thêm, Israel không phải là quốc gia thành viên EU nên có những quy định khác với EU.
Ngoài ra, Bộ Y tế Israel cũng đề nghị Thương vụ hỗ trợ, giúp đỡ kết nối cho phía Bạn (Cục Quản lý chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm) với Cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng an toàn vệ sinh đối với nhóm hàng xuất khẩu thực phẩm/thủy sản của phía Việt Nam.
Trong trường hợp này là Cục NAFIQPM có chức năng cấp Giấy Chứng thư đối với các lô hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, để hai bên tăng cường hợp tác, phối kết hợp, trợ giúp lẫn nhau, cập nhật và thông báo cho lẫn nhau về các hoạt động quản lý chuyên ngành.
Đề nghị tăng cường hợp tác chuyên ngành để tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất khẩu
Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và châu Phi, trong đó có mặt hàng cá các loại. Cho đến hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất tại địa bàn khu vực này và hàng năm Israel thường đứng vị trí thứ 22-24 trong số hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thế giới.
Để giúp hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Israel cũng như nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản của ta sang thị trường này trong thời gian tới, Thương vụ tại Israel đề xuất và kiến nghị Cục NAFIQPM mở rộng và tăng cường hợp tác chuyên ngành với Cục Quản lý chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm (National Food Control Services) thuộc Bộ Y tế Israel.
Trước mắt, Cục NAFIQPM trao đổi trực tiếp về các nội dung chuyên môn, thống nhất với phía Bạn về việc cấp Giấy Chứng thư và thống tên gọi Latin/khoa học cụ thể của cá diêu hồng bằng tiếng Anh được ghi trong Giấy Chứng thư đối với các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Israel.
Theo yêu cầu của phía Israel, đề nghị Cục NAFIQPM cho biết đầu mối liên hệ-contact person/point (tên cán bộ, địa chỉ email, số điện thoại/whatsapp number...) để Thương vụ giới thiệu với phía Bạn. Đầu mối của phía Israel là: Bà Tiến sỹ Rina Ramrazker, Cục Quản lý Chất lượng và An toàn Vệ sinh Thực phẩm (National Food Control Services) thuộc Bộ Y tế Israel, điện thoại di động/whatsapp number: +972 506242309; email: [email protected].
Hàng năm, Israel thuộc trong Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường này gồm: Tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỉ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20. |
Nguyễn Hạnh