Vốn FDI đăng ký và giải ngân đều tăng
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 6,17 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 644 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ về số dự án và tăng 57,9% so với cùng kỳ về số vốn đăng ký.
Có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 934,6 triệu USD và 604 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm với tổng giá trị vốn góp đạt 466,2 triệu USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế quý I/2024 (Ảnh minh hoạ) |
Đánh giá về kết quả thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2024, tại cuộc họp báo thống kê tình hình kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê tổ chức mới đây, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý I/2024 đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Cũng theo bà Phí Thị Hương Nga, kết quả thu hút FDI quý I/2024 có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội mà Việt Nam có được.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 970,8 triệu USD; Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 745,2 triệu USD, tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Theo nhận định của đại diện Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư FDI đăng ký tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư...
Cụ thể, 10 địa phương có lợi thế cũng là 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất đều là trung tâm công nghiệp lớn gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,7% số dự án cấp mới và 77,6% số vốn đầu tư đăng ký của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2024.
Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam (Ảnh minh hoạ) |
Hoàn thiện môi trường đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW
Với kết quả thu hút FDI quý I/2024, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng nhận định: Thu hút FDI chính là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý I/2024, tạo khởi đầu thuận lợi cho năm 2024.
Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn cho rằng, môi trường đầu tư Việt Nam bên cạnh những ưu điểm như chính trị ổn định, chất lượng nguồn lao động đang dần được cải thiện, thì vẫn bộc lộ không ít những tồn tại cần được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới, những tồn tại này thể hiện qua thủ tục hành chính rườm rà; chính sách thu hút đầu tư hay thay đổi và chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện.
Theo đó, để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Trong đó, hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thoả đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam. Có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.
Nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyễn Hòa