Phấn đấu để lương khu vực Nhà nước tiệm cận doanh nghiệp
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - đoàn TP. Hồ Chí Minh chất vấn lãnh đạo Chính phủ về giải pháp thực hiện cải cách tiền lương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, tiền lương luôn là vấn đề được quan tâm và đây cũng là động lực cho cán bộ công chức tham gia cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh:Quochoi.vn) |
Nhấn mạnh chủ trương đã có, trung ương cũng đã ban hành Nghị quyết 27, song theo người đứng đầu Chính phủ, do nguồn lực khó khăn nên chưa thể thực hiện.
Thủ tướng nhắc đến giải pháp quan trọng là tăng thu - giảm chi, tiết kiệm chi tiêu để có tiền cho cải cách tiền lương bắt đầu từ 1/7/2024 đến hết năm 2026. Song song với cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh cần cải cách tiền lương trong khu vực ngoài Nhà nước để hai mức này tiệm cận với nhau.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc tới nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tiết kiệm các khoản chi để chi lương cho người lao động.
Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tiền lương với khu vực ngoài Nhà nước để mức lương tiệm cận với khu vực công.
Tạo chuyển biến trong đào tạo, nâng cao năng suất lao động
Đề cập việc tăng năng suất lao động xã hội, Thủ tướng khẳng định đây một trong những thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia.
“Trong nhiều năm qua, năng suất lao động xã hội của Việt Nam tăng trưởng liên tục và cao hơn so với bình quân của khu vực, thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thủ tướng nhìn nhận.
Toàn cảnh phiên chất vấn tại hội trường sáng 8/11 (Ảnh:Quochoi.vn) |
Giải pháp khắc phục thực trạng này, theo Thủ tướng, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng cũng yêu cầu tạo bước chuyển biến thực chất trong đào tạo đại học và đào tạo nghề; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các sàn giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động; tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế...
Những giải pháp này, theo người đứng đầu Chính phủ, sẽ góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động xã hội, khả năng cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của đất nước.
Thu Hường