Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

12/01/2024 - 00:10
(Bankviet.com) Đánh giá cao nỗ lực của ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong năm 2023, bước sang năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành KH&ĐT thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng dự Hội nghị Tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về 10 điểm sáng của ngành

Hoàn thành xuất sắc khối lượng lớn công việc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra vào sáng 11/1 tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Trong những kết quả thành tựu chung của đất nước năm 2023, không thể không nói đến đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, ngành đã hoàn thành xuất sắc một khối lượng lớn công việc khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Những đóng góp của ngành Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong 9 điểm sáng, trong đó nổi bật là những điểm sáng về công tác quy hoạch, đầu tư công, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo…

Liên quan đến công tác quy hoạch, Thủ tướng cho rằng đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động, đáp ứng tiến độ, chất lượng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, mang lại giá trị mới. Quy hoạch là việc khó, phải có tư đuy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, chỉ ra và phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải các khó khăn, thách thức của đất nước và các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch thực hiện. Có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; tích cực triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 vùng kinh tế-xã hội; đã thành lập và phát huy vai trò của các hội đồng điều phối vùng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ được thành lập để kiểm tra, làm việc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, từng quý; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 (91,42%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5%. Đến cuối năm, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường lớn hơn số doanh nghiệp rút lui, đảo chiều so với đầu năm.

Nhiều doanh nghiệp về bất động sản và hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% với nhiều dự án chất lượng cao, như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay…

Bước sang năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu, phát huy kết quả đạt được, không say sưa, thỏa mãn, chủ quan, lơ là, chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả ngành Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong năm 2023

8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kế hoạch và Đầu tư

Về nhiệm vụ cụ thể trong năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư phải bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với tinh thần "Năm quyết tâm", với 8 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác điều phối kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, nhất là chính sách cho đổi mới sáng tạo. Bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thứ ba, tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nghiên cứu, tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Thủ tướng lưu ý làm tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Đồng thời, lấy ví dụ rất đáng mừng về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu thành công việc sản xuất vật liệu mới, nhiên liệu mới từ khí CO2.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chống cơ chế "xin-cho" đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Thứ năm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.

Thứ sáu, làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài trong bối cảnh khó khăn.

Thứ bảy, làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.

Thứ tám, coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Với bề dầy truyền thống 79 năm, Thủ tướng tin tưởng rằng, năm 2024 ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn thách thức; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đạt kết quả cao hơn năm 2023.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương