Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp toàn cầu đẩy mạnh hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn

17/01/2024 - 05:59
(Bankviet.com) Sau khi đến Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển AI, chip bán dẫn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị WEF Davos 2024, thăm chính thức Hungary và Romania Thủ tướng bắt đầu chuyến công tác dự WEF Davos 2024 tại Thuỵ Sĩ Cơ hội tạo đột phá trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Rumani

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các tập đoàn lớn của thế giới như: Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson… đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam, tầm nhìn của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, bền vững; cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng chiến lược…

Trong khi đó lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp, trao đổi làm rõ các vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm; giới thiệu định hướng phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… Tại đây, các bộ, ngành cũng giới thiệu các nỗ lực của Việt Nam trong tạo môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn để thu hút đầu tư, trong đó có có việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực… phục vụ các nhà đầu tư ngày càng tốt hơn.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp toàn cầu đẩy mạnh hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về sự thành công của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế, đồng thời chia sẻ về nền tảng phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng hơn 4.000 năm của Việt Nam. Cùng với đó là tự lực tự cường xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ lấy nội lực là chiến lược là lâu dài là quyết định, lấy ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Qua quá trình đó, Việt Nam rút ra 5 bài học gồm: Thứ nhất là độc lập dân tộc gắn với Chủ nghĩa xã hội; Thứ hai, nhân dân làm lên lịch sử; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; Thứ ba là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Thứ tư là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ năm, mọi lợi ích đều hướng tới người dân, vì cuộc sống hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp sang kinh tế thị trường; chuyển từ một nước chậm phát triển, sang nước đang phát triển; quy mô nền kinh tế Việt Nam đã lên đếm 435 tỷ USD, lọt Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ mức trên dưới 100 USD lên 4.300 USD/người/năm 2023.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước, tổ chức và toàn trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logictics và chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính và đột phá về hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật nhằm giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Đây là những nền tảng, điều kiện tốt cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển tại Việt Nam”.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp toàn cầu đẩy mạnh hợp tác phát triển AI, công nghệ ôtô, chip bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo và công nghệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việt Nam tiếp tục làm mới các động lực cũ và tạo các động lực mới cho phát triển. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đồng thời đã tạo dựng được môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp AI trên thế giới đến phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, truyền thông, giáo dục, an ninh mạng, tài chính, nhà máy thông minh, đô thị thông minh và công nghệ bán dẫn…

Về một số kết quả đạt được của Việt Nam trong phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp ô tô, chip bán dẫn, Thủ tướng cho biết, lĩnh vực AI, sau 2 năm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo', Việt Nam đã tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo lên thứ 55/181 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tạo dựng được môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp AI trên thế giới đến phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, truyền thông, giáo dục, an ninh mạng, tài chính, nhà máy thông minh, đô thị thông minh và công nghệ bán dẫn...

Về công nghiệp ôtô, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó có lộ trình chuyển đổi các phương tiện giao thông sang sử dụng điện; khuyến khích các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Về lĩnh vực bán dẫn, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bản dẫn. Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực này.

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, ứng dụng AI tại Việt Nam; Tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia; Liên kết với các trường Đại học, cơ sở nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo kỹ sư về AI và các giải pháp công nghệ số.

Về lĩnh vực ôtô, Việt Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, các công cụ cần thiết để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp sản xuất ôtô, nhất là ôtô điện; Đẩy nhanh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư để triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện; Nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện, thân thiện với môi trường.

Về lĩnh vực bán dẫn Việt Nam sẽ đầu tư triển để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn (thiết kế, chế tạo, đóng gói). Trước mắt tập trung ưu tiên, làm chủ khâu thiết kế, sau đó là thử nghiệm và sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, thiết kế, kiểm định chip tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các cơ sở phù hợp của Việt Nam; Tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quản lý, kỹ sư, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bán dẫn; Liên kết, đặt hàng các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam để thiết kế, sản xuất các sản phẩm chip; Nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tầm nhìn chiến lược và cách tiếp cận toàn cầu, Thủ tưởng tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn, công nghệ ô tô và AI trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững và thành công tại Việt Nam.

Thái Bình

Theo: Báo Công Thương