Bộ Công Thương họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định về DPPA Họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp |
Sáng 21/6, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng dự buổi làm việc của Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Cuộc làm việc nhằm trao đổi về một số vấn đề lớn, quan trọng dự kiến được thể hiện trong Báo cáo Chính trị và Báo cáo Kinh tế - Xã hội nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa hai Báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, Báo cáo Kinh tế - Xã hội là báo cáo chuyên đề.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc của Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
Tại buổi làm việc, hai Thường trực Tổ Biên tập đã trao đổi một số nội dung quan trọng, nổi bật của hai dự thảo Báo cáo, tập trung vào các vấn đề về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, các quan điểm, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 5 năm 2026-2030.
Trong quá trình xây dựng Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế - Xã hội, hai Tổ Biên tập sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm, trao đổi về những nội dung cụ thể để bảo đảm thống nhất nội dung giữa hai Báo cáo theo yêu cầu của Trung ương, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những việc quan trọng trong chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng: Xây dựng đường lối đúng, trúng, khả thi, phù hợp với xu thế, dòng chảy của thời đại, phát huy tối đa nguồn lực đất nước; xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ; tổ chức thực hiện tốt, bám sát chủ trương, đường lối nhưng linh hoạt, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm, chúng ta ngày càng trưởng thành cả về lý luận, tầm nhìn, tổ chức thực hiện, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, đến nay,chúng ta đã cơ bản hình thành được khá rõ hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam với "3 trụ cột, 1 xuyên suốt và 6 trọng tâm", phù hợp với tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam; trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam với truyền thống văn hóa-lịch sử hàng nghìn năm.
Trong đó, 3 trụ cột chính là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm xuyên suốt là: Lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Chúng ta cũng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thứ nhất, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre", chân thành, tin cậy, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ hai, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Thứ ba, thực hiện đường lối quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, kiên trì chính sách quốc phòng 4 không.
Thứ tư, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất", "văn hoá soi đường cho quốc dân đi", văn hoá có tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
Thứ năm, thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ sáu, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Theo Thủ tướng, trên nền tảng đó, qua các nhiệm kỳ Đại hội, chúng ta tiếp tục tổng kết, kế thừa và bổ sung, làm rõ hơn hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Về kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị cần phân tích kỹ bối cảnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XIII với đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử loài người, hậu quả còn kéo dài đến tận bây giờ; cạnh tranh chiến lược giữa các nước; xung đột và chiến tranh tại nhiều khu vực; thế giới về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh, tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng, tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra: Lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, mức tăng trưởng của Việt Nam là rất đáng trân trọng; cần tiếp tục tạo khí thế, niềm tin mới, động lực mới, thắng lợi mới.
Nhiều mục tiêu lớn khác cũng có khả năng hoàn thành, nhất là phát triển hệ thống đường cao tốc. Cùng với đó, chúng ta dành nguồn lực lớn để bảo đảm an sinh, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng "đi sau về trước" trong phòng, chống dịch COVID-19. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển…
Thủ tướng cho rằng, những kết quả nói trên đạt được với tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp để giải quyết vấn đề, với tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vận dụng chủ trương, đường lối, chính sách một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả.
Cuộc làm việc của Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội |
Thủ tướng nêu rõ, trong tình hình thế giới có nhiều biến động, thì cách tiếp cận của Việt Nam đã được chứng minh là có hiệu quả.
Cách tiếp cận đó là lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hoá) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên; nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; đẩy mạnh huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, thực hiện 3 đột phá chiến lược; thể chế cũng là nguồn lực, động lực phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Hiệu quả là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, chúng ta ngày càng trưởng thành cả về lý luận, tầm nhìn, tổ chức thực hiện, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để xử lý các vấn đề trong nước và quốc tế, ngày càng bản lĩnh và nhờ có bản lĩnh nên đã vượt qua các khó khăn, thách thức. Bài học quan trọng khác là không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ trên nền tảng đã được tổng kết, chúng ta tiếp tục làm rõ hơn, bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Về phát triển kinh tế-xã hội, cần phân tích kỹ về mục tiêu, cơ sở để đạt mục tiêu, các kịch bản, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mục tiêu cần có tính phấn đấu để nỗ lực đạt được, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, chú trọng thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Về giải pháp, ngoài những giải pháp đã có, cần tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy quyết liệt các động lực tăng trưởng mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, phát triển các ngành mới nổi.
Về huy động nguồn lực, phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.
Nhấn mạnh tinh thần cầu thị, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, cố gắng lớn, tập trung, nỗ lực cao, Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn 2 Tổ Biên tập tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, các chuyên gia tích cực tham gia để đánh giá sát tình hình, đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khả thi, hiệu quả cao, củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, bạn bè và đối tác quốc tế.