Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt, hiệu quả bảo đảm an toàn thông tin mạng Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thường trực Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã báo cáo về kết quả hoạt động năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; nêu một số đề xuất, góp ý liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số…, tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan tới tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; kiến nghị một số nội dung liên quan hoạt động của Hiệp hội.
Hội Khoa học hành chính thành lập năm 2015, được đổi tên thành Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam năm 2022 theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam đã và đang hoạt động, làm việc về lĩnh vực khoa học hành chính (gồm cả khu vực công và khu vực tư).
Đại diện Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan phát biểu phản hồi về các ý kiến, đề xuất của Hiệp hội, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, trân trọng, đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, các hoạt động và đóng góp tích cực của Hiệp hội, các thành viên; cơ bản thống nhất với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, ban hành Thông báo kết luận cuộc làm việc.
Theo Thủ tướng, tuy mới thành lập nhưng Hiệp hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, xây dựng nền quản trị quốc gia; gắn kết, đồng hành, tham gia thực hiện có kết quả nhiều nhiệm vụ với một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong hệ thống chính trị; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nền hành chính quốc gia, nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Thủ tướng lưu ý Hiệp hội cần làm tốt việc tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng, góp ý chính sách, pháp luật liên quan đến hành chính nhà nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Hiệp hội phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học hành chính; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, mang lại sản phẩm cụ thể, hiệu quả thiết thực, cân đong đo đếm được, tránh hình thức; trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Thủ tướng lưu ý Hiệp hội cần làm tốt việc tham gia tư vấn, phản biện, xây dựng, góp ý chính sách, pháp luật liên quan đến hành chính nhà nước, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; gắn kết chặt chẽ, phối hợp tốt với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần xây dựng nền hành chính quốc gia, nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mục tiêu cuối cùng là xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong quá trình tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đề xuất, góp ý xây dựng nền hành chính quốc gia, nền quản trị quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, phải luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Marx - Lenin, phát huy truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc, nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu của văn minh nhân loại, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh, điều kiện đất nước trong từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng; tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".
Thủ tướng cũng cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị liên quan tới hoạt động của Hiệp hội, đề nghị Hiệp hội nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng các đề án cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
baochinhphu.vn