Thủ tướng Modi và những thách thức "chèo lái" Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3

01/07/2024 - 23:30
(Bankviet.com) Dù tạo được những dấu ấn nổi bật trong 10 năm lãnh đạo đất nước Ấn Độ nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức chờ đón Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ thứ 3.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai của Việt Nam Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ đồ trang sức, mỹ nghệ, và phụ kiện thời trang tại Ấn Độ Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, gạo Việt sẽ chịu tác động về giá nhiều hơn lượng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi đầu tháng 6 đã chính thức được bầu làm lãnh đạo Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) - liên minh vừa giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này.

Chiến thắng của ông Modi trong cuộc bầu cử lần này là lần thứ 2 một nhà lãnh đạo Ấn Độ nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 sau ông Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của đất nước.

Những người ủng hộ Thủ tướng Modi tin rằng việc ông đảm bảo nhiệm kỳ thứ 3 là nhờ vào một số yếu tố như: Thành tích quản lý ổn định, sức hấp dẫn của tính liên tục, các chương trình phúc lợi hiệu quả và nhận thức rằng ông đã nâng cao hình ảnh toàn cầu của Ấn Độ...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong buổi lễ tuyên thệ tại dinh tổng thống ở New Delhi ngày 9/6
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong buổi lễ tuyên thệ tại dinh tổng thống ở New Delhi ngày 9/6. Ảnh: Reuters

Dưới thời ông Modi, Ấn Độ đã tăng trưởng vượt bậc và nâng cao vị thế toàn cầu. Tuy nhiên, còn đó nhiều thách thức như thiếu việc làm, giá cả cao, thu nhập thấp… đã khiến cử tri không hài lòng.

Nhiệm kỳ mới của ông Modi được dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề chính trị và chính sách, do gặp rào cản từ những lợi ích khác nhau của các đảng phái trong liên minh và phe đối lập đã mạnh hơn.

Vấn đề kinh tế

Thách thức đầu tiên đối với Chính phủ ông Modi là giải quyết tình trạng thất nghiệp. Theo dự báo của Trung tâm Giám sát Nền kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã tăng từ 7,4% vào tháng 3/2024 lên 8,1% vào tháng 4/2024. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giới trẻ Ấn Độ tiếp tục vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, với gần 83% dân số thất nghiệp thuộc nhóm nhân khẩu học này. Trong quý cuối năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người từ 20-24 tuổi lên tới 44,49%.

Ngoài nền kinh tế phi chính thức quan trọng, Ấn Độ gần đây còn chứng kiến sự bùng nổ trong hệ sinh thái khởi nghiệp, được thúc đẩy bởi tầng lớp thanh niên đầy tham vọng và dám nghĩ dám làm.

Để giải quyết thách thức này, Chính phủ Ấn Độ sẽ cần tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như tạo điều kiện việc làm trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và các công ty khởi nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy việc làm cũng như đa dạng hóa sự tham gia kinh tế ngoài các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thuộc khu vực công, từ đó cho phép kiểm soát chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Một thách thức khác là thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nhằm ưu tiên tạo việc làm. Bất chấp những cải thiện đáng kể của ngành công nghiệp sản xuất trong khuôn khổ chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ”, vẫn còn nhiều việc phải làm. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ròng vào Ấn Độ đã giảm 62,17%, từ mức 27,98 tỷ USD năm 2023 xuống còn 10,58 tỷ USD trong năm tài chính 2024, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất trong năm tài khóa 2024 thuộc trong số những mức thấp nhất từ 5 năm qua. Lĩnh vực sản xuất đã thu hút 9,3 tỷ USD vốn FDI trong năm tài khóa 2024, giảm 17,7% so với mức 11,3 tỷ USD của năm tài khóa 2023.

Thách thức về thị trường

Có vẻ như các nhà đầu tư nước ngoài không hào hứng với Ấn Độ như kỳ vọng, thể hiện qua xu hướng FDI vào nước này ngày càng giảm. Tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Ấn Độ, dù mức độ và quy mô thị trường lớn, vẫn bị cản trở do thiếu lao động lành nghề, các quy định quan liêu và chất lượng kém của chuỗi cung ứng. Để cạnh tranh với Trung Quốc và các nước phát triển trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, chính phủ phải đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và cơ sở hạ tầng, tiến hành những cải cách đáng kể về đất đai, lao động và thuế, đồng thời giải quyết các vấn đề yếu kém liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng Modi và những thách thức
Ông Narendra Modi đã ghi dấu ấn vào lịch sử Ấn Độ, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trong 60 năm qua đắc cử Thủ tướng Ấn Độ 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Ảnh: AP

Dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất. Tình trạng bất bình đẳng đã gia tăng mạnh trong 3 thập kỷ qua. Báo cáo năm 2024 của World Inequality Lab (tổ chức nghiên cứu về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới thuộc Trường Kinh tế Paris, Pháp) cho thấy, trong năm 2022-2023, tỷ trọng thu nhập và tài sản của 1% người giàu nhất ở Ấn Độ (22,6% và 40,1%) đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và là một trong những mức cao nhất trên thế giới, cao hơn cả Nam Phi, Brazil và Mỹ.

Trong khi đó, 50% người nghèo nhất chỉ nắm giữ 6,5% thu nhập quốc gia. “Chủ nghĩa phúc lợi mới” của Chính phủ ông Modi thể hiện cách tiếp cận rất đặc biệt trong việc tái phân phối và hội nhập, bao gồm nhà nước trợ giá cung cấp các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu vốn thường do khu vực tư nhân cung cấp, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng, gas đun nấu, nhà vệ sinh, điện, nhà ở, nước…

Chuyển đổi năng lượng

Nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi cũng phải tập trung vào việc chuyển đổi cấp bách sang nguồn năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Quy mô tiềm năng kinh tế của đất nước cho thấy nhu cầu về năng lượng là rất lớn. Là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn thứ 3, Ấn Độ từng đứng thứ 4 thế giới về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo.

Các nhà hoạch định chính sách phải đẩy nhanh phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân và sinh khối để giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tác động tai hại của chúng đối với môi trường, và giảm ô nhiễm. Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021 dự báo sẽ có 50 triệu việc làm mới trong "nền kinh tế xanh" ở Ấn Độ, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người tiêu dùng hơn và mang lại các cơ hội kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030.

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc số hóa quản trị đòi hỏi phải thiết lập cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) cho 1,4 tỷ người, qua đó người dân có thể truy cập trực tuyến các dịch vụ và tài liệu thiết yếu của chính phủ. Tất cả những điều này góp phần làm cho các dịch vụ công trở nên dễ dàng tiếp cận hơn với phần lớn người dân, đồng thời tăng tính minh bạch và ngăn chặn tham nhũng.

Nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi sẽ cho phép Ấn Độ định hướng và xác định vận mệnh kinh tế, với mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Để làm được điều đó, Ấn Độ cần giải quyết những thách thức sẽ xuất hiện trước mắt.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương