Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc WB cùng nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ

13/05/2022 - 03:02
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc, ngày 11/5 (giờ địa phương), tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo và ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 7 năm trước đã đặt nền móng vững chắc cho quan hệ, tạo cơ sở để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển sâu rộng, trên nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Thủ tướng đánh giá cao chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam hùng cường, độc lập, thịnh vượng.

Thủ tướng mong muốn quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển hài hòa và bền vững. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói chung và cá nhân Bà Bộ trưởng nói riêng trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước thời gian qua cũng như tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc theo hướng không làm gián đoạn thương mại giữa hai nước.

Thủ tướng đánh giá cao những phát triển vượt bậc trong quan hệ kinh tế - thương mại hai nước, trong đó kim ngạch thương mại 2 chiều từ 400 triệu USD năm 1995 lên gần 112 tỷ USD vào năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, góp phần đưa Việt Nam vào 20 nước có trao đổi thương mại lớn nhất trên thế giới và dư địa phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn. Thủ tướng bày tỏ mong muốn quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển hài hòa và bền vững, thời gian tới tập trung vào đa dạng hoá cung ứng, chuyển đối số thương mại trong đầu tư, thúc đẩy khoa học công nghệ và những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, công bằng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ yên tâm, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, nên cần sự hợp tác từ các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ, về tài chính xanh, công nghệ, nguồn nhân lực...

Trong giai đoạn hiện nay Việt Nam ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, sạch, có giá trị gia tăng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bộ trưởng Gina Raimondo đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hoa Kỳ và thay mặt Chính quyền Tổng thống Biden chào mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến dự Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ. Bà bày tỏ ngưỡng mộ trước sự phát triển vượt bậc của đất nước Việt Nam, nhất là kể từ chuyến thăm đầu tiên năm 1995 và sau 27 năm bình thường hoá quan hệ. Bộ trưởng Raimondo đánh giá cao tầm nhìn và kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam, nhất là việc chuyển đổi sang kinh tế số, kinh tế xanh, đang dạng chuỗi cung ứng, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải tại Hội nghị COP26 vừa qua.

Bà cũng vui mừng trước những tiến triển trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Bộ trưởng chúc mừng thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi sau đại dịch, và bày tỏ vui mừng được chứng kiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ, cho rằng đây là những tín hiệu thể hiện quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và bà Stephanie von Friedeburg, Phó Chủ tịch cao cấp của IFC trao thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn Môi trường và Xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam - Ảnh: Nhật Bắc

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Raimondo cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, viễn thông, công nghệ số, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được cam kết đề ra tại COP26.

Các chứng nhận đầu tư, thỏa thuận hợp tác được trao giữa bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước gồm: 

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ cho Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam – PVGas.

Thỏa thuận hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị, hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin nhằm thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0 của Việt Nam thông qua thị trường carbon, tài chính kết hợp, phân loại và đa dạng sinh học, và khuôn khổ pháp lý.

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số cho Cơ quan phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA), Công ty Black & Veatch Management và đại diện Công ty TNHH kết nối năng lượng sạch Mekong. 

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát điện và truyền tải, trao đổi thông tin công nghệ mới áp dụng cho hệ thống điện của Hoa Kỳ, đào tạo và cung cấp dịch vụ cho các dự án điện khí giai đoạn 2022-2027.

Thỏa thuận về hợp tác đầu tư nâng cao hiệu suất vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 1; thỏa thuận về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực mạng 5G. 

Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn Môi trường và Xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam. 

Thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu và môi trường. 

Hợp đồng cung cấp hạn mức tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp SME trong các lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, phân phối xăng dầu hạ nguồn và chống biến đổi khí hậu theo COP26 giữa HD Bank và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

Cũng trong ngày 11/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing. Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết lĩnh vực hàng không của Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh trong thời gian tới và Boeing có thể tham gia phát triển hệ sinh thái hàng không của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing trong quá trình khai thác tàu bay của Boeing tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ kế hoạch mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác về công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Marc Allen, Giám đốc Chiến lược kiêm Phó Chủ tịch Cấp cao, Chiến lược và Phát triển Doanh nghiệp của Tập đoàn Boeing - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn mở cơ sở bảo hành, bảo trì và tiến hành một số công việc khác tại Việt Nam; có chính sách hợp tác lâu dài và có ưu đãi cụ thể để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn lúc này; góp phần quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thủ tướng cũng mong muốn Tập đoàn hợp tác với phía Việt Nam trên tinh thần "đã nói phải làm".

Boeing (1916) là tập đoàn hàng không lớn nhất thế giới, là đối tác tin cậy cung cấp máy bay và dịch vụ hàng không liên quan cho Vietnam Airlines và VietJet Air trong nhiều năm qua. Thời gian tới, Boeing dự kiến sẽ mở rộng trong các lĩnh vực: đào tạo hàng không, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước, tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội (CRS). Phía Boeing hiện đang quan tâm tới việc hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững; mong muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về công nghệ, kết nối với các hãng hàng không…

Tiếp đó, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo Asia Group và các tập đoàn Blackstone, GenX, AES.

Lãnh đạo các tập đoàn bày tỏ quan tâm tới các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, mong muốn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26.

Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất chuyển đổi năng lượng của các tập đoàn, doanh nghiệp; làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới định hướng phát triển năng lượng, quy hoạch điện của Việt Nam; khẳng định Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có bảo đảm cân đối lớn về năng lượng, đồng thời tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam chưa công bố quy hoạch điện VIII là do phải điều chỉnh nhiều nội dung để thực hiện các cam kết tại COP 26, trong đó có cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo một tập đoàn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng trong phát triển các dự án năng lượng cần trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, nhất là về vấn đề giá cả để hai bên "cùng thắng". Trong đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều là những nguồn năng lượng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam; mong các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án theo quy định của pháp luật với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, hai bên cùng giải quyết các thủ tục nhanh chóng.

Tại buổi tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng đề nghị thời gian tới, hợp tác giữa hai bên tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; các dự án hạ tầng giao thông lớn như các tuyến cao tốc, đường ven biển; các dự án ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, miền Trung; xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực y tế… Thủ tướng cho biết phía Việt Nam sẽ sớm làm việc với WB tại Việt Nam để triển khai các dự án cụ thể, lựa chọn các dự án có sức lan tỏa, mong muốn các dự án này có ưu đãi phù hợp, linh hoạt, thời hạn vay dài nhất với lãi suất tốt nhất. Việt Nam sẽ hỗ trợ WB để triển khai các thí điểm chính sách tại Việt Nam để bảo đảm các khoản vay có hiệu quả cao nhất có thể. Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục cải cách thủ tục, chống tiêu cực, tham nhũng trong triển khai các dự án.

Tổng Giám đốc WB cho biết cơ quan này muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhất là trong bối cảnh quá trình phục hồi trên toàn cầu gặp những khó khăn do căng thẳng, xung đột tại một số nơi và giá nguyên vật liệu, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, các nguồn lực quốc gia bị suy giảm trong quá trình kiểm soát dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: Nhật Bắc

Nhấn mạnh quan điểm hợp tác đa phương để giải quyết các thách thức, ông cũng chia sẻ vấn đề đặt ra với Việt Nam là cần cân bằng giữa nhu cầu năng lượng lớn cho phát triển và yêu cầu phát triển bền vững.

Đồng tình với các lĩnh vực hợp tác mà Thủ tướng đề cập, ông khẳng định WB rất quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình trở thành nước thu nhập trung bình cao, đạt tới những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị; nhiều nước có thể học tập nhiều lĩnh vực của Việt Nam như quá trình điện khí hóa…

Theo: