Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số

12/10/2024 - 22:33
(Bankviet.com) Tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời yêu cầu đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số.

Sáng 12/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đã chủ trì chương trình Chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Sự kiện này được kết nối trực tuyến tới Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thủ tướng phát biểu kết luận tại chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Thủ tướng phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. (Ảnh: chinhphu.vn)

Cùng tham dự sự kiện có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều lãnh đạo cấp cao, đại diện doanh nghiệp và tổ công nghệ số trên toàn quốc.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, nhất là về kinh tế số; đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tổ chức sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số trong năm 2024. Một số chỉ số quan trọng như:

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 quốc gia.

Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194 quốc gia.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh những tiến bộ lớn trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, với 51.000 doanh nghiệp công nghệ số tạo ra 1,5 triệu việc làm. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 118 tỷ USD, xuất khẩu sản phẩm công nghệ số đạt 100,8 tỷ USD.

Cùng với đó, thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cũng được triển khai rộng khắp cả nước.

Chuyển đổi số đã mang lại lợi ích lớn cho người dân trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, đến an sinh xã hội, nổi bật như việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cung cấp Lý lịch tư pháp trên nền tảng VneID.

Ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm, kết quả đạt được của bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kết quả ngày hôm nay mới chỉ là những kết quả bước đầu, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, say sưa với những kết quả đạt được vì vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ chuyển đổi số cần hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, bảo đảm thực chất và hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, giảm phát thải gắn với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược số: (1) Đột phá về thể chế số; (2) Đột phá về hạ tầng số; (3) Đột phá về nguồn nhân lực số; với phương châm "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh". Triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng tốc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển lực lượng sản xuất mới, chất lượng cao, chuyên nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu, phấn đấu đưa toàn bộ các dịch vụ công lên các nền tảng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại, giảm tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ chuyển biến nhanh, bền vững và toàn diện, bao trùm, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Ba Thủ tướng Việt Nam, Lào, Campuchia nhất trí thúc đẩy đột phá chiến lược trong hợp tác kinh tế

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và ...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hàn Quốc cấp vốn ưu đãi để xây đường sắt và cao tốc

Trong khuôn khổ chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc ...

Việt Nam ủng hộ thiết lập thị trường điện ASEAN, thúc đẩy hợp tác năng lượng xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý tưởng xây dựng thị trường điện ASEAN và kết nối điện qua cáp ngầm, nhằm tạo nền ...

Hoàng Nguyễn

Hoàng Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán