Chiều 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Cuộc họp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đề án chiến lược này.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiều nội dung cốt lõi như: Mục tiêu hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, mô hình phù hợp với bối cảnh Việt Nam, định hướng phát triển và lĩnh vực ưu tiên, cơ chế chính sách đặc thù, nhân lực, hạ tầng, thủ tục thị thực, cùng với việc áp dụng thể chế và thông lệ quốc tế, tự do hóa ngoại hối, hoạt động ngân hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp theo chuẩn mực quốc tế.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan xây dựng dự thảo, đồng thời yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện.
Ông nhấn mạnh tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không quá cầu toàn, không nóng vội, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; đã làm là phải thành công, phải thắng lợi, làm tới đâu chắc tới đó, đã làm phải chắc, đã chắc phải thắng, đã thắng phải bền vững, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để tăng trưởng 2 con số thì phải có vốn, trong khi chúng ta đang thiếu vốn. Do đó, phải xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính quốc tế để bổ sung nguồn lực tài chính cho 2 mục tiêu 100 năm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nêu rõ, để hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. Trong đó, Trung tâm tài chính quốc tế đóng vai trò là "bệ phóng tài chính" quan trọng để bổ sung nguồn lực cho phát triển.
Theo Thủ tướng, để đạt được mục tiêu này, môi trường pháp lý phải cạnh tranh, minh bạch, tiến bộ; hạ tầng hiện đại, đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh và phù hợp với xu thế toàn cầu.
Những yếu tố này phải vượt trội so với các trung tâm tài chính trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh, tự do đi lại và chính sách visa thuận lợi cho chuyên gia, nhà đầu tư.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tiếp tục thảo luận, cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng khẳng định, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ hướng tới thu hút vốn trung và dài hạn, cung ứng các dịch vụ tài chính hiện đại, phát triển đồng tiền số phù hợp điều kiện trong nước, bảo đảm tự do luân chuyển dòng vốn hợp pháp. Đồng thời, phòng, chống gian lận, thao túng đưa nguồn lực của Việt Nam ra bên ngoài trái quy định.
"Đây là sân chơi tự do và có lợi, nhưng lợi ích phải hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý việc tự do hóa các hoạt động kinh doanh cần có lộ trình phù hợp, chuyển sang hậu kiểm thay cho tiền kiểm.
Trung tâm tài chính được xây dựng vận hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, có tòa án chuyên biệt tại trung tâm. |