Thủ tướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc

01/07/2024 - 18:34
(Bankviet.com) Trong chương trình thăm Hàn Quốc, sáng 1/7, tại Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường thăm chính thức Hàn Quốc Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Seoul, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hàn Quốc Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiều bào là cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Công ty luật Kim&Chang, Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức.

Nhiều hướng hợp tác tiềm năng

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị và lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi theo 3 nhóm lĩnh vực: Công nghiệp - năng lượng; tài chính - ngân hàng; công nghệ thông tin; y dược; đầu tư tổng hợp.

Sáng 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 1/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Han Seung-soo, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc, cố vấn cao cấp Công ty luật Kim&Chang cho biết, các công ty Hàn Quốc đang mở rộng đầu tư vào tất cả các lĩnh vực Việt Nam vì Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt với các doanh nghiệp Hàn Quốc từ trước tới nay. Quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước có nền tảng vững chắc trên cơ sở quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp, giao lưu sôi động, gắn bó mật thiết giữa nhân dân hai nước.

Ông Jung Yeoin, Chủ tịch Doosan Enerbility cho biết, tập đoàn vào Việt Nam từ năm 2006 và đang tập trung đầu tư các dự án tại Việt Nam. Tập đoàn mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam, cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện như turbine… vào các dự án.

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Công ty luật Kim&Chang, Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Công ty luật Kim&Chang, Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin cho biết.

Ông Lee Kye-in, Chủ tịch POSCO International cho biết, tập đoàn này đã sản xuất hơn 2,3 triệu tấn thép ở Việt Nam với doanh thu 1,5-2 tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2015, tập đoàn đã tham gia vào dự án phát điện Mông Dương 1 và đang hướng tới dự án Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Ông Jung In Sup, Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay ở Việt Nam. Theo ông, Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vì vậy, tập đoàn hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.

Ông Kim Hyung Kwan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành HD Hyundai Mipo cho hay, đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng phát triển ngành đóng tàu. Ông mong muốn HD Hyundai Mipo sẽ trở thành doanh nghiệp cùng Việt Nam tạo ra những sản phẩm tàu có uy tín trên thế giới.

Lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo ông, đơn vị đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.

Giải đáp về các vấn đề về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển của Việt Nam. Ông mong các tập đoàn này sẽ mở rộng hợp tác ở Việt Nam theo 3 hướng Việt Nam đã xác định, gồm lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao; hạ tầng số; chuyển đổi xanh theo chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt về giao thông, năng lượng.

Ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ và sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc để đồng hành cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Thủ tướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc
Giải đáp về các vấn đề về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời các vấn đề về năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Việt Nam có nhu cầu lớn về năng lượng và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ trưởng cho biết, để bảo đảm năng lượng trong mọi tình huống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 6 giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế; áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu; rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường

Ngoài ra, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới nên rất mong doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc
Trả lời các vấn đề về năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu lớn về năng lượng và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm, Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15% và với đà này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.

Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh. Thủ tướng cho hay, Việt Nam có Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và các hãng hàng không tư nhân đang phát triển rất nhanh như Vietjet Air, vì thế, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc liên hệ với các hãng này để bàn về hợp tác.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay, đang xây dựng thêm sân bay Long Thành, nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung mà Việt Nam đang rất cần.

Về hợp tác đóng tàu, Thủ tướng lưu ý, đây là nhu cầu lớn do Việt Nam đang phát triển kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt, Việt Nam có vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sông nước, giao thông thủy đóng vai trò hết sức quan trọng và nhu cầu đóng tàu rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng hoan nghênh hợp tác trong lĩnh vực này.

Tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân”

Kết luận cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, đang phát triển hết sức sôi động và thực chất. Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế song phương tiếp tục được mở ra.

Hàn Quốc hiện giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp (tổng số vốn luỹ kế đến nay đạt 87 tỷ USD với gần 10.000 dự án); số 2 về hợp tác phát triển và du lịch; số 3 về hợp tác lao động và thương mại (đạt 76 tỷ USD năm 2023). Hai nước hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD trong thời gian tới và 150 tỷ USD năm 2030.

Thủ tướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc
Thủ tướng hoan nghênh, cảm ơn và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới". Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, giao lưu nhân dân giữa hai nước không ngừng phát triển, có ý nghĩa quan trọng, là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Hiện có khoảng 280.000 người Việt Nam ở Hàn Quốc và khoảng 200.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, hơn 80.000 gia đình đa văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc.

Bên cạnh những thuận lợi, hợp tác giữa hai nước cũng có những khó khăn, thách thức, tác động bởi tình hình thế giới và khu vực. Do đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, cần phải có giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh, khai thác thuận lợi, hóa giải các khó khăn, thách thức, đưa quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước phát triển hơn nữa, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước.

Thủ tướng đã dành thời gian thông tin về những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới; về các yếu tố nền tảng, đường lối phát triển cơ bản của đất nước, các chính sách về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tiềm lực đất nước tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại rất sôi động và được tăng cường, mở rộng, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu tế giới.

Thủ tướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần "3 cùng"; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, trong 6 tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng 6,42%, riêng quý II đạt gần 7%, được đánh giá là ngôi sao sáng về tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách được kiểm soát.

Đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng cho biết, luôn mong muốn lắng nghe, trân trọng những đóng góp chân thành, thẳng thắn và sẵn sàng trao đổi về các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến hợp tác thiết thực của các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng hoan nghênh, cảm ơn và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", trên cơ sơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Thủ tướng đề nghị bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, trong các lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư….

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh (cả quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia).

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng và các đại biểu dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng và các đại biểu dự Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển); "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.

Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị tại Tọa đàm, nhất là về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; từ đó, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Hàn Quốc, Đoàn Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...

Tại Hàn Quốc, bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng có các buổi làm việc, chủ trì ký kết các Biên bản ghi nhớ với các Bộ đối tác.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương