Thừa Thiên Huế: Giá cả hàng hoá bình ổn sau tăng lương

05/07/2024 - 00:04
(Bankviet.com) Tại các siêu thị, chợ truyền thống lớn tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) giá cả hàng hoá thiết yếu, tiêu dùng giữ mức ổn định, bình ổn sau khi lương cơ sở tăng
Thừa Thiên Huế: Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra kinh doanh vàng, ngoại hối Du lịch Thừa Thiên Huế “ghi điểm” với doanh thu 6 tháng đạt hơn 4.000 tỷ đồng Người dân miền Trung vẫn gặp khó khi thực hiện sinh trắc học để chuyển khoản trực tuyến

Theo quyết định của Chính phủ, mức lương cơ sở chính thức được điều chỉnh tăng thêm 30% từ ngày 1/7/2024, cụ thể là từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương hưu cũng điều chỉnh tăng 15%. Nhiều người cho rằng, việc tăng lương cơ sở sẽ khiến thị trường “té nước theo mưa", từ đó giá hàng hoá tăng theo.

Thừa Thiên Huế: Giá cả hàng hoá bình ổn sau tăng lương
Nhiều khách hàng chọn mua thực phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương sáng ngày 4/7, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống lớn tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) như Đông Ba, An Cựu… giá cả hàng hoá thiết yếu (gạo, dầu, nước mắm…), hàng tiêu dùng (thịt, cá, rau…) ít có biến động, hàng hóa bình ổn , giá cả ổn định.

Theo đó, trừ thịt ba chỉ tăng lên khoảng 10 - 15 ngàn đồng so với trước đây thì giá các mặt hàng khác vẫn giữ nguyên, cụ thể: Thịt bò 250 ngàn đồng/kg; sườn heo 140 ngàn đồng/kg; tôm sú 220-280 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ; tôm đất 220-350 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ; cá kình 200-300 ngàn đồng/kg, cá đối 100-140 ngàn đồng/kg; rau muống 10 ngàn đồng/bó, rau cải 12 ngàn đồng/bó, rau thơm 25k ngàn đồng/kg, cà chua 50-70 ngàn đồng/kg, hành củ 60 ngàn đồng/kg…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Dương Thị Tuất – Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế cho biết, các mặt hàng tại siêu thị rất phong phú và đa dạng, giá cả phải chăng, thậm chí có nhiều mặt hàng đang khuyến mãi, giảm sâu để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và có rất nhiều mặt hàng thay thế.

Thừa Thiên Huế: Giá cả hàng hoá bình ổn sau tăng lương
So sánh với các loại, thịt lợn ba chỉ tăng nhẹ so với trước đây

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế, trong hệ thống Co.opmart, sẽ có những chiến lược về giá, cũng như đàm phán với các nhà cung cấp để đảm bảo giá cho người tiêu dùng. Đến thời điểm này, việc tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức chưa tác động lớn đến giá cả hàng hoá, thị trường hàng hoá ở Co.opmart Huế vẫn bình ổn.

“Hiện nay, vẫn chưa có nhà cung cấp hàng hoá nào nói đến việc tăng giá hàng hoá và việc biến động tăng giá khoảng 5 – 10% là chuyện bình thường của thị trường, vì trước đây lương không tăng nhưng giá vẫn tăng, cái này là do vật liệu, biến động đầu vào, nhân công…”, Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế Dương Thị Tuất cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Như Thanh - Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, TP. Huế cho biết, hiện nay các mặt hàng, gạo, thịt, cá, dầu ăn… bán buôn tại chợ đều giữ mức ổn định, riêng các mặt hàng rau, củ, quả… có tăng nhẹ. Việc tăng này là do mùa nắng trồng rau khó khăn hơn chứ không phải tăng do lương tăng.

Chị Nguyễn Thị Hương, một đầu mối cung cấp rau ăn lá cho siêu thị Co.opmart Huế cho biết, không biết ở bên ngoài giá có tăng hay không, còn chúng tôi, do đã ký hợp đồng nên giá nhập cho siêu thị vẫn như mấy tháng trước đây, không thay đổi.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 giá một số mặt hàng có thể tăng theo, nhưng chủ yếu là xa xỉ phẩm và mức tăng khoảng 20% trở lại. Điều này chỉ tác động đến một nhóm nhỏ người tiêu dùng chứ không phải đa số.

“Trong khi đó, thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu rất phong phú, đa dạng, nhiều phân khúc và giá cạnh tranh. Các hàng hoá như mỳ ăn liền, dầu ăn, sữa, gạo… mỗi mặt hàng có hàng chục loại với giá cả khác nhau, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn tùy nhu cầu, điều kiện nên cũng không tác động quá nhiều đến đời sống người lao động”, một doanh nghiệp đầu mối nhận định.

Thừa Thiên Huế: Giá cả hàng hoá bình ổn sau tăng lương
Giá các mặt hàng rau, củ quả tại chợ Đông Ba giữ mức ổn định, ít biến động

Số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, trong tháng 6/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 4.781 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 15,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.408,8 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 27.355,3 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ; trong đó, bán lẻ hàng hóa đạt 19.832,6 tỷ đồng, chiếm 72,5%, tăng 12,1% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 5.253,6 tỷ đồng, chiếm 19,2%, tăng 14,6%.

Những chỉ số này cho thấy nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục trên đà phục hồi. Riêng trong tháng 6/2024, các lễ hội văn hóa, thể thao, như: Festival Huế, Chợ quê ngày hội (TX. Hương Thuỷ), Ngày hội thể thao vì sức khỏe cộng đồng… cũng đóng góp nhiều trong kích cầu du lịch, tiêu dùng, lưu trú địa phương.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương