Thúc đẩy hợp tác phát triển chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc)

06/08/2024 - 04:53
(Bankviet.com) Việc phát triển dịch vụ logistics chuỗi lạnh sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc).
Việt Nam - Đài Loan đẩy mạnh hợp tác ngành công nghiệp hỗ trợ Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan trong lĩnh vực thiết bị và vật tư y tế Kỳ vọng “cú hích” mới với làn sóng đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam

Tiềm năng hợp tác lớn giữa doanh nghiệp logistics Việt Nam - Đài Loan (Trung Quốc)

Chiều 5/8/2024, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) cùng với Hiệp hội Chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (TCCA) và Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (ITRI) tổ chức buổi giao lưu với chủ đề “Chuỗi cung ứng lạnh cho Việt Nam” nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Đài Loan.

ông Đinh Vĩ, Trường phòng kinh tế thuộc Văn phòng kinh tế và Văn hóa Đài Bắc
Ông Đinh Vĩ - Trường phòng kinh tế thuộc Văn phòng kinh tế và Văn hóa Đài Bắc

Tham dự chương trình giao lưu có đại diện của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và các đại biểu đến từ hơn 30 doanh nghiệp là hội viên của hai bên.

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Đinh Vĩ, Trường phòng Kinh tế thuộc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc đã tóm tắt lại các chương trình phối hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan hữu quan của Đài Loan (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai bên trong những năm gần đây.

Những hoạt động đó là nền tảng để hai Hiệp hội HNLA và TCCA tổ chức buổi giao lưu và ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. "Hợp tác logistics sẽ đóng vai trò quan trọng cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc)" - ông Đinh Vĩ nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ, biên bản ghi nhớ hợp tác này sẽ là sự khởi đầu cho một tương lai hợp tác tốt đẹp trong ngành logistics giữa hai bên, dù là trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, giao lưu doanh nghiệp hay trang thiết bị kỹ thuật.

Theo ông Đinh Vĩ, quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam rất chặt chẽ, Đài Loan (Trung Quốc) hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam và đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam hiện có trên 27 nghìn du học sinh tại Đài Loan (Trung Quốc).

Không chỉ có vậy, theo khảo sát mới nhất của Bộ Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu khi đầu tư ở nước ngoài, liên tục có nhiều doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam khảo sát đầu tư, qua đó có thể thấy rõ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội - cho hay, theo khảo sát của EuroMonitor, chuỗi cung ứng lạnh cho thị trường bán lẻ ở Việt Nam bao gồm thực phẩm tươi, dược phẩm… có quy mô thị trường ước tính lên đến 10 tỷ USD/năm.

Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội
Ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội - phát biểu

Đối với ngành nông - thủy sản, theo một nghiên cứu do Đại học Cần Thơ thực hiện vào tháng 6/2021, có đến 83% sản phẩm không thực hiện lưu trữ lạnh sau thu hoạch, 11% lưu trữ không đúng cách và chỉ có 6% được lưu trữ lạnh. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hao hụt sau thu hoạch cả về số lượng và giá trị hàng hoá.

Những con số trên thể hiện tiềm năng hợp tác rất lớn giữa các doanh nghiệp logistics của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng với các đối tác đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Đây cũng là lý do Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (Trung Quốc) và Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức buổi giao lưu này.

Ngành công nghiệp chuỗi lạnh nhiều “dư địa” phát triển

Ông Freezer Lin -Chủ tịch Hiệp hội chuỗi cung ứng lạnh Đài Loan (Trung Quốc) - nhận định, ngành công nghiệp dây chuyền lạnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của thực phẩm, dược phẩm và những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi nhu cầu về các sản phẩm tươi sống và chất lượng cao tiếp tục tăng, ngành công nghiệp chuỗi lạnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), dịch vụ logistics chuỗi lạnh đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây. Chúng tôi nỗ lực cung cấp các cơ sở kiểm soát nhiệt độ và phương tiện vận chuyển để phục vụ khách hàng trong ngành thực phẩm và dược phẩm, số lượng các công ty logistics cũng không ngừng tăng lên.

Buổi giao lưu với chủ đề “Chuỗi cung ứng lạnh cho Việt Nam”
Buổi giao lưu với chủ đề “Chuỗi cung ứng lạnh cho Việt Nam”

Nhờ công nghệ tiên tiến và dịch vụ logistics chuỗi lạnh hoàn chỉnh của Đài Loan (Trung Quốc), chất lượng và độ an toàn của sản phẩm được đảm bảo, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại quốc tế. Cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp, chúng tôi cũng nỗ lực tập trung vào tính bền vững sinh thái và giảm lượng khí thải carbon.

Chúng tôi tin chắc rằng trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay, việc phát triển dịch vụ logistics chuỗi lạnh sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai bên - ông Freezer Lin nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - cho rằng, với nền tảng tốt về công nghệ và giải pháp quản trị dịch vụ logistics, các đối tác Đài Loan sẽ thúc đẩy quá trình xanh hóa hoạt động logistics ở Việt Nam. Tiềm năng hợp tác logistics giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm ở các hoạt động chuyển giao công nghệ, đầu tư vốn, đào tạo và phát triển hạ tầng.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, những kết quả hợp tác về kinh tế thời gian qua thể hiện sự hiệu quả và đã mở ra một không gian mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).

Tổng kim ngạch thương mại giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2022 và vẫn tăng trưởng đều đặn phản ánh mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và đây chính là tiền đề để hai bên hợp tác về logistics nhằm hỗ trợ cho hoạt động thương mại.

ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HNLA và ông Freezer Lin, Chủ tịch TCCA đã đại diện cho hai Hiệp hội ký Biên bản ghi nhớ hợp tác
Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HNLA và ông Freezer Lin, Chủ tịch TCCA đại diện cho hai Hiệp hội ký Biên bản ghi nhớ hợp tác

Tính đến hết tháng 12/2023, tổng đầu tư tích lũy của Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đã đạt trên 39,5 tỷ USD, được phân bổ rộng rãi vào các ngành sản xuất, điện tử và hạ tầng - đây đều là những lĩnh vực quan trọng để phát triển logistics chuỗi lạnh.

Về chỉ số hiệu quả logistics (LPI), theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 19 trong khi Việt Nam xếp thứ 39, cho thấy tiềm năng cải thiện thông qua hợp tác.

“Thị trường kho lạnh của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 295 triệu USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 12 điểm phần trăm theo Cushman & Wakefield. Tốc độ tăng trưởng này phản ánh sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng tăng đối với thực phẩm tươi sống và dược phẩm được lưu trữ và bảo quan đúng cách - bà Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin.

Các khoản đầu tư và thu hút đầu tư của hai bên vào logistics cũng cho thấy mối quan tâm tương đồng. Trong khi Việt Nam thu hút 5,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành logistics trong năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào phát triển công nghệ logistics trong 5 năm qua. Các công ty Đài Loan (Trung Quốc), như Dimerco và Kerry TJ Logistics, đang dẫn đầu trong việc triển khai công nghệ IoT và blockchain trong logistcis.

Tại buổi giao lưu, bà Janet Chen, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm khoa học dịch vụ, Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã đề cập đến một loạt các vấn đề trong chuỗi cung ứng lạnh mà các đối tác Đài Loan (Trung Quốc) đã đối mặt và giải quyết để phát triển trong hơn 40 năm qua. Đây là những kinh nghiệm quý và là những giải pháp có thể áp dụng cho thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng có cơ hội hợp tác với chính quyền Hà Nội và các hiệp hội trong tương lai để cùng xây dựng nền tảng hợp tác chuỗi lạnh, tăng cơ hội trao đổi về công nghệ và đào tạo, đồng thời cùng nhau nâng cao năng lực chuỗi lạnh của doanh nghiệp hai bên và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho dịch vụ chuỗi lạnh - bà Janet Chen nói.

Để khẳng định mong muốn hợp tác giữa hai Hiệp hội, tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa Hội viên hai bên, ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch HNLA và ông Freezer Lin - Chủ tịch TCCA đã đại diện cho hai Hiệp hội ký Biên bản ghi nhớ hợp tác để xác lập mối quan tâm chung, các chương trình mà hai bên sẽ tham gia và cùng tổ chức trong thời gian tới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương