Ngày 1/9/2021, Học viện Ngân hàng phối hợp với Câu lạc bộ Khối đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng và Ban Hỗ trợ khởi nghiệp tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề: "Tài chính toàn diện – Cơ hội và thách thức cho Fintech". Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) do Học viện Ngân hàng là đơn vị chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Đào Minh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng cho biết, trong Quyết định số 986/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/08/2018 về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ “Khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và tổ chức công nghệ - tài chính (Fintech), các tổ chức phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân để phát triển mạng lưới đại lý cho ngân hàng với chi phí thấp”…. Tại Quyết định 149/QĐ-TTg về Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/1/2020 đã xác định rõ quan điểm “Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện”.
Theo ông Phúc, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người "yếu thế", doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” của Appota cho thấy, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó, 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng Internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dùng 3 giờ 18 phút để sử dụng Internet qua di động. Đây là cơ hội lớn, là “mảnh đất màu mỡ” để các doanh nghiệp Fintech kết hợp với các tổ chức tài chính phát triển kênh phân phối dựa trên ứng dụng công nghệ nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính đến mọi đối tượng với phí dịch vụ thấp, đặc biệt là qua kênh điện thoại di động nhằm giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, không rơi vào bẫy “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, việc ứng dụng công nghệ trong quá trình cung cấp dịch vụ tài chính đến mọi đối tượng đặc biệt là nhóm khách hàng là người "yếu thế" trong xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên các phương diện khác nhau.
Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, đại dịch COVID-19 ngoài việc tác động tiêu cực tới nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân thì còn thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo tài chính, kỹ thuật số, tăng cường khả năng chống chịu rủi ro. Kể từ khi Fintech xuất hiện đã làm thay đổi rất nhiều cách tiếp cận dịch vụ tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình có thu nhập thấp. Trước đây các dịch vụ tài chính thường dựa trên giao dịch tiền mặt, tương tác trực tiếp giữa nhà cung cấp và khách hàng. Tuy nhiên, Fintech cùng với các công cụ tài chính số và phương tiện máy tính, điện thoại đã làm thay đổi các giao dịch. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính nhờ có Fintech cũng đã lấp được nhiều “khoảng trống” của các tổ chức tài chính truyền thống. “Fintech có lợi thế sử dụng công nghệ mới, phân tích dữ liệu nhằm xác định ra các khách hàng mục tiêu, hướng sản phẩm của họ tối đa hóa sự hài lòng khách hàng”, ông Nam chia sẻ.
Fintech đã lấp được nhiều “khoảng trống” của các tổ chức tài chính truyền thống. Ảnh minh họa
Đánh giá vai trò Fintech trong thúc đẩy tài chính toàn diện, ông Phạm Xuân Hòe Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, điểm mạnh của Fintech là có công nghệ hiện đại, sản phẩm dịch vụ đơn giản dễ sử dụng, phổ cập rộng, tiếp cận nhanh, thời gian giao dịch nhanh và tính minh bạch, sáng tạo cao, đồng thời giúp tăng trải nghiệm khách hàng với chi phí giao dịch thấp. Trong khi đó, Fintech có cơ hội trở thành kênh cung ứng dịch vụ tài chính số với thị trường và khách hàng mục tiêu lớn, nhất là thị trường nông thôn, nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Hòe, điểm yếu Fintech là vốn tự có nhỏ, khả năng huy động thấp, kỹ năng lập chiến lược kinh doanh, quản trị tài chính còn yếu và bản thân các chuyên gia công nghệ cũng chưa có nhiều kiến thức về sản phẩm dịch vụ tài chính chưa cao nên mô hình kinh doanh dễ bị đổ vỡ. Bên cạnh đó, nhận thức về Fintech của người dân còn hạn chế, bị cạnh tranh bởi chính những đối thủ có tiềm năng, nền tảng lớn như các ngân hàng thương mại, thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính viễn thông. Ngoài ra, hành lang pháp lý còn thiếu, hạ tầng công nghệ vùng sâu vùng xa chưa được phát triển… cũng là một trong những rào cản với Fintech. Ông Hòe kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech (Sandbox) và gợi ý xây dựng một “vườn ươm Fintech” tại trường đại học nào đó. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cần “hợp sức” thành lập một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cho đột phá ngân hàng số và Fintech.
Từ thực tiễn hoạt động, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho rằng, xu hướng khách hàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính chính thức (bao gồm chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm…) thông qua các kênh điện tử, áp dụng các quy trình có định hướng dựa trên công nghệ. Fintech đã phá vỡ các mô hình kinh doanh truyền thống bằng cách tạo ra các phương tiện mới và hiệu quả để cung cấp dịch vụ. Fintech cũng thúc đẩy, tăng cường, tạo đột phá trong việc cung cấp dịch vụ tài chính.
Bảo Đăng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ