Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số: Cần đặc biệt quan tâm chiến lược dữ liệu

06/07/2023 - 02:07
(Bankviet.com) Chiến lược dữ liệu cần được đặc biệt quan tâm trong thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số theo ý kiến các chuyên gia.
Công bố Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp thương mại

Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI” diễn ra tại Hà Nội ngày 5/7/2023 là cơ hội để các chuyên gia bàn sâu hơn về các chủ đề “nóng” liên quan đến vấn đề dữ liệu. Diễn đàn do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức trong bối cảnh năm 2023 được Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số chọn là "Năm dữ liệu số quốc gia".

Diễn đàn có sự góp mặt của đội ngũ các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - chuyển đổi số, cùng thảo luận các vấn đề: Chủ trương - chính sách và hành lang pháp lý và chiến lược dữ liệu quốc gia; kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại các tập đoàn lớn; xây dựng hệ sinh thái sản phẩm từ chiến lược dữ liệu; tư duy dữ liệu trong kiến tạo giá trị sản phẩm; hình thành năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu; an toàn dữ liệu và giải pháp về an ninh, bảo mật trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo...

Ý kiến một số chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, dữ liệu là tài sản quý nhưng có một nghịch lý là không bao giờ có trong báo cáo tài chính doanh nghiệp trong khi có đến 25% giá trị của một công ty phụ thuộc vào dữ liệu của công ty.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số: Cần đặc biệt quan tâm chiến lược dữ liệu
Quang cảnh Diễn đàn

Chỉ ra thực tế chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, các chuyên gia gợi ý về cách thức để dữ liệu thực sự mang lại giá trị. Theo đó doanh nghiệp luôn có dữ liệu bên trong, cần tích hợp dữ liệu này với các dữ liệu bên ngoài (extenal data). Doanh nghiệp phải dùng cả 2 loại data đó để đưa ra phân tích, từ đó hỗ trợ việc đưa ra quyết định

Nhìn rộng ra ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và những cơ hội – thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, do vậy không phải là kiến tạo nên những cơ chế đóng, định khuôn và những thước đo phụ thuộc bởi một hay một số tổ chức nhất định mà phải tạo ra những cơ chế mở, cách thức mở.

Nói cách khác, dữ liệu số là công cụ để giải quyết vấn đề cụ thể, không phải mục tiêu của tổ chức.

Các doanh nghiệp, tổ chức cần có một cuộc cách mạng tư duy để hợp nhất, chuẩn hoá dữ liệu. Bởi dữ liệu được tạo ra từ mọi tiến trình hoạt động thông qua nhiều phương tiện và dưới nhiều cách thức khác nhau, điều này dẫn đến một sự đa dạng về hình thức tồn tại của dữ liệu.

Bởi hợp nhất về dữ liệu sẽ tạo ra một sự đột phá về năng suất thông qua việc chuẩn hóa dữ liệu định hình các tiến trình hoạt động cho phép tạo ra một hiệu ứng hội tụ giá trị.

Đặc biệt nhiều chuyên gia tại Diễn đàn đặt vấn đề cần bảo vệ được các dữ liệu cá nhân. Trong đó, các doanh nghiệp cần triệt để tuân thủ theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các công ty, doanh nghiệp trước đây đã ban hành các chính sách và triển khai các hoạt động quản lý quyền riêng tư theo quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR - General Data Protection Regulation) hoặc theo các quy định về quyền riêng tư khác sẽ không được xem là đã tuân thủ theo Nghị định 13.

Trong đó các yếu tố chính cần tuân thủ như xác định loại dữ liệu cá nhân được xử lý; xác định căn cứ pháp lý cho việc xử lý dữ liệu cá nhân; yêu cầu về thông báo xử lý dữ liệu cá nhân; thông báo về quyền riêng tư sẽ cần bao gồm loại, mục đích và phương pháp xử lý; danh tính của bên xử lý dữ liệu cá nhân hoặc bên thứ ba có liên quan; rủi ro trong quá trình và thời gian xử lý; thực hiện cơ chế để cá nhân có thể rút lại sự đồng ý; triển khai hệ thống xử lý yêu cầu của chủ thể dữ liệu; bảo vệ dữ liệu và thông báo, báo cáo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương