Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện truyền thông chính sách mà còn tạo ra và định hướng nhiều giải pháp cho công tác quản lý, cho hoạt động ngân hàng và cho chính doanh nghiệp.
Ở góc độ quản lý, đây là giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, chính nội hàm như vậy, càng đòi hỏi các giải pháp, nhiệm vụ đưa ra phải được hành động và thực thi trên thực tế. Trong đó, việc thực hiện trách nhiệm giải ngân các gói tín dụng ưu đãi như cam kết của các tổ chức tín dụng (TCTD) cả về số lượng (quy mô gói) và lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng của ngân hàng, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như các TCTD đưa ra và cam kết, sẽ góp phần quan trọng trong việc tiếp tục tạo lập và củng cố niềm tin của khách hàng đối với các TCTD nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. Bởi lẽ, điều này mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp do giảm được chi phí vay vốn và những điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, đồng thời mang lại lợi ích không nhỏ trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng, thu hút khách hàng và tăng trưởng bền vững. Tạo lập và củng cố niềm tin vững chắc từ doanh nghiệp, người dân - khách hàng của ngân hàng - sẽ là vô giá bởi giá trị nội hàm trong kinh doanh tiền tệ: “yếu tố niềm tin” tiếp tục được củng cố và phát huy. Với ý nghĩa to lớn và sâu sắc đó, đòi hỏi các TCTD phải hành động, phải thực hiện đúng cam kết đưa ra, để mang lại lợi ích lâu dài và bền vững hơn là để thu hút và làm hình ảnh, thương hiệu trong ngắn hạn.
Thực hiện tốt các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (gói do các TCTD chủ động đưa ra) sẽ góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách và đạt được mục tiêu chính sách. Trong điều kiện chính sách tiền tệ đã và đang thực hiện mục tiêu kép: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặt trong bối cảnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp từ nền kinh tế thế giới và áp lực lạm phát vẫn còn… thì việc thực hiện những mục tiêu chính sách tiền tệ và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng là rất lớn và nặng nề. Trong quá trình đó, việc các TCTD chủ động đưa ra các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp - cho khách hàng của ngân hàng sẽ không chỉ đơn giản là hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn là giải pháp hữu hiệu, là công cụ quản lý, cùng với các công cụ chính sách tiền tệ khác phát huy hiệu quả để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chung của ngành năm 2023. Thực tế hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi (do các TCTD chủ động đưa ra, cũng như gói tín dụng ưu đãi bằng chính sách) và các chương trình hành động cụ thể như kết nối ngân hàng doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCX-KCN… đã được minh chứng, nhất là trong những giai đoạn nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tác động nhanh chóng, kịp thời và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cho khách hàng. Đây là gói tín dụng ưu đãi do các TCTD đưa ra, nên được thực hiện ngay và nhanh chóng hơn so với các gói tín dụng ưu đãi bằng chính sách. Đồng thời, việc thực hiện những gói tín dụng này, gắn liền với các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, bằng nhiều hoạt động cụ thể như: kết nối ngân hàng, doanh nghiệp và lễ ký kết vay vốn; đối thoại doanh nghiệp và truyền thông… sẽ mang lại kết quả cao hơn. Góp phần thực hiện tốt chủ đề năm và đưa hoạt động cải cách hành chính đi vào chiều sâu, mang lại những kết quả cụ thể, sản phẩm cụ thể.
Việc thực hiện cam kết hỗ trợ doanh nghiệp bằng giải ngân các gói tín dụng ưu đãi của các TCTD cũng đồng thời là giải pháp truyền thông chính sách hữu hiệu, nhờ tạo hiệu ứng và lan tỏa lớn hơn, vì gắn liền với phương châm: “nói và hành động”. Các TCTD, đơn vị cung ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, cho người dân cũng chính là đơn vị cơ sở thực thi chính sách.
Việc tạo lập và củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân có vai trò quan trọng không chỉ đối với TCTD, mà còn đối với công tác quản lý, niềm tin đó vừa là yêu cầu vừa là động lực thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và trên hết trở thành sức mạnh đoàn kết để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nguyễn Đức Lệnh -