Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore
Thông tin số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, Singapore giữ vai trò đối tác kinh tế hết sức quan trọng của Việt Nam; đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam và Singapore đã ký kết Công thư nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore, trong đó hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Singapore đã trở thành 1 trong 5 trụ cột hợp tác kinh tế.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore trong 2 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Phân tích cụ thể về tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, trong tháng 2/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,26 tỷ SGD, giảm 9,48% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tiếp tục giữ được mức tăng trưởng dương khá tốt (tăng 8,05%) đạt 550,6 triệu SGD; ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 14%, đạt hơn 1,71 tỷ SGD.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 5,17 tỷ SGD, tăng 4,18 % so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở mức 19,32%, đạt gần 1,23 tỷ SGD và nhập khẩu gần 3,94 tỷ SGD, tăng 0,21%. Với số liệu này, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Singapore trong 2 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, theo thống kê từ Thương vụ, trong tháng 2/2024, hàng loạt nhóm ngành xuất khẩu sang Singapore có mức tăng trưởng rất mạnh như: Sắt thép (tăng 32,85 lần); xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng gần 1,45 lần). Trong đó cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng là: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 5,04 %); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 22%); xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng gần 1,45 lần). Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức sụt giảm khá mạnh như: Nhóm các sản phẩm từ sắt thép (giảm 71,54%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 49,59%); nhựa và các sản phẩm từ nhựa (giảm 36,56%)...
Về nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Singapore, trong tháng 2/2024, có 11/21 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu âm; trong đó 2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực sụt giảm mạnh so với cùng kỳ là: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (giảm 22,64%) và lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 26,7%). Ở chiều ngược lại, một số nhóm có mức tăng rất mạnh như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng 1,26 lần); ngọc trai, đá quý và các sản phẩm kim hoàn (tăng 206,34%); thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 80,38%)...
Đánh giá về triển vọng hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Singapore trong năm 2024, ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 2/2024 sụt giảm so với cùng kỳ (giảm 9,48%), tuy nhiên điểm tích cực là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng khá tốt (tăng 8,05%) và khá đồng đều ở các nhóm ngành hàng. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn trong cả năm 2024 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do Chính phủ Singapore vẫn rất thận trọng đối với các yếu tố tiêu cực vẫn kéo dài (ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024).
Trong năm 2024, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam thâm nhập tốt hơn nữa vào thị trường Singapore, Thương vụ Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục cập nhật thông tin, cơ chế, chính sách của thị trường; cùng đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Singapore; hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Singapore vào Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ vào Việt Nam.
Thương mại tăng trưởng bền vững nhờ các FTA
Nhằm góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore tiếp tục phát triển sâu rộng, thực chất hơn thời gian giới, trong hội đàm diễn ra mới đây tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng cùng cho rằng, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai nước cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh...
Hai Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, do Việt Nam còn mới mẻ với lĩnh vực năng lượng nên cần có các tư vấn chính sách và mong muốn Singapore có thể chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tư vấn trong việc xây dựng các cơ chế chính sách liên quan, làm cơ sở cho việc thúc đẩy các hợp tác về năng lượng và năng lượng sạch với Singapore và các nước khác.
Cùng đó, hai Bộ trưởng nhất trí tạo thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại - năng lượng, tiếp tục đóng góp vào quan hệ hợp tác Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore, hướng tới nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tại hội đàm diễn ra hôm 20/3/2024, hai Bộ trưởng cùng cho rằng, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai nước cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực năng lượng |
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Singapore cũng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO, đặc biệt là trong các khuôn khổ, cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Cùng đó, hai nước đều là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP). Và là hai thành viên duy nhất trong ASEAN ký hiệp định thương mại tự do với Anh và Liên minh châu Âu. Điều này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hoạt động hợp tác.
Tuy nhiên, Singapore là thị trường có yêu cầu cao, khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm... được chính phủ Singapore quản lý chặt chẽ và phải tuân theo Luật Kinh doanh Thực phẩm (Sales of Food Act) năm 2002 được sửa đổi thay thế một số điều vào 7/12/2017, Quy định về thực phẩm (Food Regulations), Quy định về môi trường, sức khỏe cộng đồng (Environmental Public Health Food Hygiene Regulations)...
Bên cạnh những đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng Singapore còn rất nhạy cảm đối với các thông tin liên quan đến đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch và tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.
Do đó, để tận dụng được cơ hội từ các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA... các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại... đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu.
Cùng đó, chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa bảo quản tốt. Đồng thời, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ, đẩy mạnh xuất khẩu bền vững sang thị trường Singapore.
Hoàng Giang