Thực hư tin "cháy" vé tuyến bay đến Gia Lai Các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng tới nguồn nhân lực “dám nghĩ, dám làm” Nhà máy nước trăm tỷ ở Gia Lai gây tranh cãi về chất lượng nguồn nước |
Cụ thể, hơn 359 ha rừng tại 9 Tiểu khu thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (huyện Chư Prông, Gia Lai) bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cây cao su.
Điều lạ lùng là hiện nay, diện tích cao su này vẫn đang được chăm sóc, khai thác mủ bình thường. Cả rừng cao su tươi tốt, thân cây khá to, thẳng tắp, đều đặn hàng ngày đều có công nhân cạo mủ; xe bồn thu đựng mủ cao su ra vào liên tục mỗi ngày.
Đáng nói, không một ai đứng ra nhận là chủ của hàng trăm ha cao su này. Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã đưa sự việc mất rừng này ra “chất vấn” tại Hội nghị giao ban công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (ngày 1/7).
Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cơ quan chức năng tỉnh này phải trả lời, làm rõ: “Ai đứng sau 359 ha rừng cao su “vô chủ” này, ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc trên”.
Hơn 359 ha cao su "vô chủ" nằm trên đất rừng ở Gia Lai (Ảnh: Hồng Phong) |
Việc mất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã được Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện, kết luận vào 5 năm trước (Kết luận số 11, ra ngày 10/9/2019). Trong đó, Thanh tra tỉnh này xác định, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.220 ha rừng tại 20 tiểu khu. Cụ thể, hơn 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp và 359 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cây cao su.
Thanh tra tỉnh Gia Lai nêu rõ, việc mất rừng là do các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi phá rừng, chiếm đất trồng cây nông nghiệp, cây cao su. Hồ sơ vụ việc sau đó được chuyển sang Công an tỉnh Gia Lai điều tra, mở rộng. Hai cựu trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch là Nguyễn Thị Hương và Phan Quốc Huy bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2021, hai cựu trưởng ban trên bị tòa tuyên án mỗi người ba năm tù. 5 năm sau kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, đến nay tỉnh này vẫn chưa thể tìm ra ai là chủ của 359 ha rừng cao su “vô chủ” trên!. Nơi 359 ha cao su đang án ngữ là khu vực đất trồng cao su của 3 doanh nghiệp “tên tuổi” ở Gia Lai.
Với sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, liệu vụ việc có được sáng tỏ, doanh nghiệp nào đứng đằng sau 359 ha rừng cao su?. Câu trả lời đang chờ cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai làm rõ.