Cơ hội nào cho nhà đầu tư khi thị trường ở mức định giá hấp dẫn? |
Chia sẻ tại tọa đàm về “Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp” vào chiều ngày 15/11 tại TP.HCM, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia trả lời nhà đầu tư về câu hỏi từ nay đến cuối năm, liệu Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng hay không, hay các doanh nghiệp phải cầm cự và chờ đến room tín dụng năm 2023, ông Nghĩa cho biết, từ nay đến cuối năm có thể sẽ có thay đổi lớn về room tín dụng, bởi nếu không chuẩn bị từ bây giờ thì quý I, quý II năm sau tình hình sẽ rất khó khăn, bên cạnh đó việc giải ngân luôn có độ trễ từ 5, 6 tháng trở lên.
"Trong hai tuần nay, Ngân hàng Trung ương đang làm khá mạnh và sắp tới sẽ còn làm mạnh hơn", ông Nghĩa nói.
Tọa đàm về các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp tại Việt Nam tổ chức chiều 15/11 |
Tiếp theo, trả lời câu hỏi vì sao khối ngoại mua ròng khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục sụt giảm trong thời gian qua, ông Nghĩa đưa ra hai lý do để giải thích cho điều này.
Thứ nhất, không giống như nhà đầu tư Việt Nam thường rút hẳn ra khỏi thị trường khi tình hình xuống dốc, nhà đầu tư nước ngoài lại luôn theo dõi và sẽ quay trở lại thị trường một cách mạnh mẽ, nhanh chóng khi có dấu hiệu phục hồi.
Thêm vào đó, hiện số lượng người Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán so với các nước trong khu vực là rất ít, chỉ khoảng 4, 5%. Trong khi đó tỷ lệ này ở Đài Loan là 80%, Trung Quốc 62%.
Chia sẻ là người Việt Nam đầu tiên mua chứng khoán, cụ thể ông Nghĩa đã đầu tư 300 triệu đồng vào hai mã REE, SAM và lãi 18 tỷ sau 6 tháng đầu tư, đồng thời là người đầu tiên mua đất ở Phú Quốc khi nơi đây chưa có nhu cầu mua bán, thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng và đáng tin cậy.
Với những kinh nghiệm đó, ông nhấn mạnh: “Đối với tôi, bây giờ là lúc mua vào, hãy chọn những mã cổ phiếu có rủi ro trung bình, bây giờ không mua thì 3, 4 tháng sau sẽ tiếc". Bên cạnh đó, ông khuyến khích hãy bám sát các hành động của nhà đầu tư nước ngoài và làm theo.
Thứ hai, ông Nghĩa cho biết nhà đầu tư nước ngoài đánh giá triển vọng về tài chính Việt Nam rất cao trong tương lai. "Đó là cái nhìn dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài, một trong những lý do là Việt Nam có chính trị, xã hội ổn định, dân tộc đoàn kết, vì vậy không có điều gì có thể đem đến rủi ro xung đột ở đây".
Kết phiên 16/11, sắc tím phủ khắp thị trường với gần 300 mã tăng trần, trong đó hàng loạt các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản, dầu khí, thép, bán lẻ, bứt phá góp phần giúp các chỉ số biến động tích cực hơn. VN-Index đóng cửa ở mốc 942,9 điểm, tăng 31 điểm tương ứng 3,4% với thanh khoản cải thiện gấp đôi phiên giao dịch hôm trước.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP vào khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa tăng khoảng 11%; trong khi cung tiền M2 chỉ tăng được 3%.
Theo thống kê, cung tiền năm 2021 tăng 11%, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng khoảng 4,6%. Như vậy, có khoảng 6,4% tiền dư thừa từ năm 2021 được tiếp tục lưu hành trong các quý đầu năm 2022.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt. Do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tăng rất nhanh. Cụ thể, lạm phát ở Việt Nam hơn 3%, lãi suất hơn 10%, trong khi lạm phát của các nước phương Tây là 9% -10%, lãi suất có 2,5% - 3%.
Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới.
Câu hỏi là làm sao để giải cứu tình trạng này? Ông Nghĩa cho biết đã khẩn trương làm đề án giải pháp do trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo. Có một số giải pháp cơ bản sau.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đã hút vào 600 ngàn tỷ đồng dẫn tới tiền không có trong lưu thông. Đồng thời, 900 ngàn tỷ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu Chính phủ đang bị đóng băng. Do đó, cần phải tìm cách giải phóng 900 ngàn tỷ đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng.
Thứ nhất, có thể dùng 300 ngàn tỷ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn. Đây là cách ngân hàng không lo mất thanh khoản.
Hai là trích một phần trong số tiền này thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai.
Thứ ba, Chính phủ cũng nên xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm 1 năm. Như vậy sẽ có thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó, từ từ thu hẹp lại.
Thêm nữa là không hình sự hóa các vụ án, vì nếu như thế thì tài sản sẽ bị phong tỏa không xử lý được nữa. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường.
Với các giải pháp này, có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng 1 - 2 năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu. Trong vòng 2 năm thì chứng khoán sẽ hồi phục. Tiền sẽ được bơm ra từ các kênh, mặt khác, rủi ro từ kênh trái phiếu không còn nữa theo đó lãi suất sẽ đi xuống và tỷ giá hối đoái sẽ đi xuống.
Đức Anh