Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/9, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank tiếp tục duy trì đà tăng, đạt mức 16.900 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch hơn 60,2 triệu đơn vị, xếp thứ 2 toàn sàn chứng khoán về thanh khoản. Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu này đã tăng mạnh lên tới 17.200 đồng/cổ phiếu, thiết lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua kể từ tháng 6/2022.
Trước đó, trong phiên 26/9, TPB đã gây ấn tượng mạnh khi tăng kịch trần lên 16.650 đồng/cổ phiếu, với dư mua lên đến 3,5 triệu đơn vị. Thanh khoản trong phiên cũng lập kỷ lục khi có hơn 60 triệu cổ phiếu được sang tay, cao gấp 5 lần so với thanh khoản trung bình tháng (12 triệu đơn vị/ngày) và gấp 2,7 lần mức trung bình tuần (22 triệu đơn vị/ngày).
Diễn biến giá cổ phiếu TPB thời gian gần đây |
Đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu TPB đến từ việc ngân hàng này vừa chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% vào ngày 24/9. TPBank dự kiến phát hành hơn 440,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 4.403 tỷ đồng, từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, TPBank đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Nguồn chi trả được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Trước đó, vào tháng 7/2024, ngân hàng này cũng đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận được 500 đồng. Nguồn vốn chi trả được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2023.
Trong năm 2023, TPBank đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng (tỷ lệ 15%) và đồng thời chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ hơn 39,19%.
Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, TPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 6.664 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 3.733 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế là gần 2.986 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của TPBank đạt 361.555 tỷ đồng, tăng 1,37% so với đầu năm. Cho vay khách hàng cũng tăng gần 4%, đạt gần 210.530 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chất lượng nợ vay của TPBank đang có dấu hiệu gia tăng. Tính đến cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của ngân hàng là 4.399 tỷ đồng, tăng 4,7% so với mức 4.200 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng tăng nhẹ từ 2,05% (cuối năm 2023) lên 2,06%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 7,2% lên 1.779 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 11% lên gần 1.582 tỷ đồng, còn nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ xuống 1.038 tỷ đồng.
Chứng khoán MB (MBS) nhận định, cổ phiếu TPB hiện đang có định giá thấp hơn 26% so với trung bình P/B 3 năm qua (1,5x) và thấp hơn 15% so với P/B trung bình của ngành ngân hàng năm 2024. Theo MBS, TPB là một lựa chọn đầu tư hợp lý với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đạt 20% trong giai đoạn 2024-2026. Cùng với đó, chất lượng tài sản của TPBank được kỳ vọng sẽ dần cải thiện và biên lợi nhuận (NIM) phục hồi trong năm 2025.
Như vậy, với những động lực từ việc chia cổ tức và tình hình kinh doanh tích cực, cổ phiếu TPB hứa hẹn sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới.
TPBank bùng nổ với kế hoạch phát hành cổ phiếu khủng – Lợi nhuận có thể tăng 20%! TPBank (HOSE: TPB) thông báo phát hành cổ phiếu trả cổ tức 20% vào 24/9/2024, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 26.420 tỷ đồng. ... |
Khối ngoại tăng mua ròng lên gần 1.000 tỷ đồng trong phiên VN-Index vượt mốc 1.290 điểm Đóng cửa phiên 26/9, VN-Index tăng 4,01 điểm lên 1.291,49 điểm, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 980 ... |
Khối ngoại tích cực mua ròng phiên cuối tuần, FPT cùng các mã ngân hàng là tâm điểm Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 230 tỷ đồng trên HOSE, dẫn đầu là FPT với 102,9 tỷ đồng. VPB bị bán ròng mạnh ... |
Nguyên Nam